Kế hoạch 196/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 196/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2022
Ngày có hiệu lực 20/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20/CT-TTG NGÀY 01/11/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA THƯ VIỆN TRONG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC, TIẾP CẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN CHO THIẾU NHI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; theo đề nghị của Sở Văn hoá và Thể thao tại Tờ trình số 175/TTr-SVHTT ngày 07/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng, phát triển và hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách trong thiếu nhi, chú trọng tới thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

- Cải thiện môi trường đọc, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi; giảm sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện; tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, hình thành lối sống lành mạnh cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phải được tiến hành nghiêm túc, kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

- Chú trọng đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện công cộng và các thư viện của các cơ sở giáo dục tại địa phương.

- Quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, Nhân dân trong tỉnh về chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi, một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước và của tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng trên các kênh thông tin đại chúng, nhất là trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội.

b) Huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp.

2. Kiện toàn, củng cố và phát huy tối đa chức năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với đối tượng thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong các hoạt động, sự kiện khuyến đọc, trải nghiệm với sách; đẩy mạnh thư viện phục vụ lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ thiếu nhi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

3. Xây dựng khung tài liệu phù hợp với đặc thù của đối tượng thiếu nhi; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu của thư viện hiện đại và đặc thù của thiếu nhi.

4. Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

5. Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông thư viện, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, cơ sở dữ liệu số, kho sách số, học liệu số, sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ việc đọc và khai thác thông tin của thiếu nhi trong thư viện.

6. Định kỳ tổ chức các hoạt động, sự kiện và tăng cường kỹ năng đọc cho thiếu nhi: Xây dựng chương trình phối kết hợp, tăng cường công tác phục vụ lưu động tại các hệ thống thư viện trong lực lượng vũ trang, các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng... với hoạt động Ngày hội đọc sách đến các xã, trường học để thu hút người dân, đặc biệt là các em thiếu nhi quan tâm đến các dịch vụ thư viện. Phát huy hiệu quả thành tựu các mô hình phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi tại các thư viện (chương trình hoạt động hè, luân chuyển và phục vụ xe thư viện lưu động, câu lạc bộ bạn đọc, các cuộc thi về sách,...) đang được thực hiện trong thời gian qua, mở rộng quy mô tổ chức và tính liên kết của các mô hình; chú trọng tổ chức các hoạt động, sự kiện như: Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời.

7. Xây dựng kế hoạch, chương trình đưa văn hóa đọc vào trường học thông qua “tiết học về văn hóa đọc” như một giờ dạy chính khóa; xây dựng chương trình ngoại khóa tham quan, học tập, sử dụng các dịch vụ của thư viện, đồng thời phát động những cuộc thi giới thiệu sách, đọc sách, sáng tác sách và đẩy mạnh công tác biểu dương, khen thưởng cho các học sinh, gia đình có đóng góp nhiều cho phong trào phát triển văn hóa đọc trong trường học; xây dựng kế hoạch trang bị kỹ năng, phương pháp, thói quen đọc sách cho học sinh theo kế hoạch phát triển văn hóa đọc hằng năm để đáp ứng các chỉ tiêu của Đề án Phát triển văn hóa đọc.

8. Hằng năm, bổ sung mới nguồn tài nguyên thông tin thư viện cho hệ thống Thư viện tỉnh và tăng cường luân chuyển tài nguyên thông tin về cơ sở: Thư viện tỉnh tiếp tục thực hiện luân chuyển sách đến các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, các trung tâm học tập cộng đồng, luân chuyển sách tới các địa điểm dân cư sinh sống thuộc vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lập kế hoạch bổ sung tài nguyên thông tin truyền thống là tài liệu in, tài nguyên thông tin số là tài liệu điện tử; xây dựng kho sách phục vụ lưu động cho toàn hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường họ c trên địa bàn.

9. Tạo điều kiện, khuyến khích người làm công tác thư viện được nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp: Xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao trình độ, các kỹ năng nghề nghiệp cho viên chức thư viện, nhất là những người còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm làm công tác phục vụ và các kỹ năng thực hành, phục vụ các hoạt động dành cho thiếu nhi. Tạo điều kiện cử viên chức thư viện tham gia các khoá học ngắn hạn, các buổi hội thảo chuyên đề, khoá tập huấn về kỹ năng phục vụ thiếu nhi; tham quan thực tế nhằm trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ.

10. Mở rộng hợp tác phát triển văn hóa đọc

a) Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác.

b) Tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện liên quan đến phát triển văn hóa đọc.

[...]