ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
195/KH-UBND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 23 tháng 12 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam
giai đoạn 2011 - 2020; căn cứ Quyết định số 2711/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát
triển nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020, Ủy
ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên
Huế giai đoạn 2016-2020 với các nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Nhằm triển khai thực hiện có hiệu
quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh
Thừa Thiên Huế, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn
2016-2020, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực
thuộc Trung ương theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân
thiện với môi trường"; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm
kinh tế, văn hoá du lịch đặc sắc, trung tâm khoa học - công nghệ, trung tâm y tế
chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước và khu vực.
- Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động theo
hướng tiến bộ, CNH, HĐH. Căn cứ theo yêu cầu phát triển, tập trung ưu tiên phát
triển nhân lực các ngành sản phẩm có lợi thế và là thế
mạnh của tỉnh.
- Trong lĩnh vực dịch vụ ưu tiên phát
triển nhân lực các ngành: du lịch, tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế,
văn hóa. Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển: công nghiệp chế biến, vật liệu
xây dựng, dệt may. Lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên phát triển nhân lực các
ngành: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công
nghệ tự động hóa. Lĩnh vực nông nghiệp
ưu tiên phát triển nhân lực các ngành: nuôi trồng thủy sản, kinh tế biển, trồng trọt và chăn nuôi chất lượng cao, phục vụ
du lịch và xuất khẩu.
2. Mục
tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua
đào tạo đạt 85% trong đó, qua đào tạo nghề là 70%. Tổng số
lao động dự kiến được đào tạo giai đoạn 2016-2020 khoảng 114.300 lao động, bình
quân 22,8 nghìn lao động/năm.
- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua
đào tạo ở khu vực Nông lâm ngư nghiệp đạt 77%, công nghiệp 85,3%, xây dựng 85,5%,
dịch vụ 86%.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
quản lý, giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp chuyên
nghiệp và trường nghề đạt chuẩn theo quy định.
II. PHƯƠNG HƯỚNG
PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020
1. Lĩnh vực dịch
vụ
Lao động trong khu vực dịch vụ tăng từ
236.971 người năm 2015 (chiếm 38,7% tổng lao động trong nền kinh tế quốc dân)
lên 267.675 người năm 2020 (chiếm 41,5% tổng lao động trong nền kinh tế quốc
dân).
2. Lĩnh vực công
nghiệp - xây dựng
Lao động trong lĩnh vực công nghiệp -
xây dựng tăng từ 179.922 người năm 2015 (chiếm 29,4% tổng lao động trong nền
kinh tế quốc dân) lên 241.875 người năm 2020 (chiếm 37,5% tổng lao động trong nền
kinh tế quốc dân).
3. Lĩnh vực nông
lâm, thủy sản
- Lao động trong lĩnh vực nông lâm,
thủy sản giảm từ 195.167 người năm 2015 (chiếm 31,9% tổng lao động trong nền
kinh tế quốc dân) xuống 135.450 người năm 2020 (chiếm 21% tổng lao động trong nền
kinh tế quốc dân).
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định
số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Giai đoạn 2016-2020: đào tạo nghề
cho khoảng 47.500 lao động học nghề (bình quân mỗi năm đào
tạo 9.500 lao động); giải quyết việc làm cho 80.000 lao động
(bình quân 16.000 lao động/ năm).
4. Phát triển
nhân lực của một số ngành, lĩnh vực đặc
thù
a) Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:
- Đội ngũ công chức, viên chức trên địa
bàn đến năm 2015 khoảng 31.460 người. Đến năm 2020, tổng số
công chức, viên chức trên địa bàn khoảng 28.493 người, trong đó số công chức,
viên chức có trình độ đại học và trên đại học chiếm khoảng 80%.
- Tỷ lệ công chức, viên chức cần bồi
dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thời kỳ 2016-2020 cần bồi dưỡng, đào tạo
cho khoảng 15%/năm tổng số công chức, viên chức. Đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.
- Liên kết hợp tác với các cơ sở đào
tạo trong và ngoài nước, kết hợp đào tạo dài hạn tập trung với các loại hình
đào tạo khác phù hợp với yêu cầu sử dụng, chức danh công tác và cơ cấu ngành
nghề theo hướng chuyên sâu. Ưu tiên đào tạo sau đại học, tổ chức các lớp bồi dưỡng
cập nhật kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực thi nhiệm vụ,
công vụ, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho đội ngũ công chức. Tăng cường mở
các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, điều hành và phối hợp cho các cán bộ quản
lý sau khi bổ nhiệm.
b) Đội ngũ khoa học và công nghệ:
- Đội ngũ khoa học
và công nghệ tăng lên khoảng 3.500 người vào năm 2020, số nhân
lực có trình độ sau đại học khoảng 35%, chủ yếu trong các ngành khoa học: tự
nhiên, xã hội nhân văn, y dược, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học.
- Phát triển nhân lực khoa học và
công nghệ của tỉnh đặt trong mối quan hệ phối hợp với bên ngoài. Chú trọng thu
hút nguồn nhân lực khoa học và công
nghệ bên ngoài tỉnh vào tham gia hoạt động khoa học và
công nghệ trên địa bàn tỉnh.
c) Nhân lực lãnh đạo, quản lý trong
khu vực sản xuất kinh doanh:
- Tổ chức các lớp tập huấn, bổ sung kiến
thức về tổ chức và quản lý, quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, pháp luật
kinh doanh, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho các
doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp.
- Khuyến khích các tổ chức đào tạo kỹ
năng quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp mới được thành lập và đang hoạt động.
- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý
cho đội ngũ doanh nhân giai đoạn 2016- 2020 khoảng 5 nghìn lượt, bình quân
1.000 lượt người/năm nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh
nghiệp trên địa bàn.
d) Đào tạo nhân lực phục vụ xuất khẩu
lao động:
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020,
lao động xuất khẩu đạt 1.500 người, cần tổ chức đào tạo nhân lực phục vụ xuất
khẩu đến năm 2020 có 100% lao động được đào tạo trước khi đi làm việc ở nước
ngoài.
III. CÁC NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Các nhiệm vụ chủ yếu:
a) Căn cứ các nội dung Quy hoạch phát
triển nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm và hàng năm; các ngành và địa phương tiến hành xây dựng các chương trình, dự
án, đề án cụ thể, đưa vào triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện đạt các mục
tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 theo Quy hoạch phát triển
nhân lực đã được duyệt.
b) Các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh
công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của
nhiệm vụ phát triển nhân lực đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức
và hành động, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ tham mưu công
tác nhân sự của các ngành và các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển nhân
lực.
2. Các giải pháp chủ yếu
c) Nâng cao nhận thức của các cấp,
các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng
của việc phát triển nhân lực tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế địa
phương, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của người dân. Vận động để thay
đổi tâm lý phổ biến trong người dân của tỉnh từ "học để có bằng cấp"
sang "học để làm việc".
- Hàng năm đưa công tác đào tạo, phát
triển nhân lực vào nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động của địa phương, của
ngành; lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội
của từng địa phương, từng ngành; xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ,
giải pháp cụ thể thực hiện đào tạo, phát triển nhân lực của từng đơn vị.
b) Đổi mới quản lý Nhà nước về phát
triển nhân lực
- Thống nhất về quy hoạch phát triển
nhân lực trên địa bàn: đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực và hiệu
quả hoạt động bộ máy quản lý theo hướng hiện đại, hiệu quả.
- Thành lập bộ phận thu thập thông
tin, cơ sở dữ liệu về cung cầu nhân lực tại Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc
Sở Thông tin và Truyền thông; nghiên cứu và ứng dụng các
chính sách, cơ chế đào tạo có liên quan đến việc phát triển
nhân lực của địa phương. Gắn kết công tác quản lý, dự báo, cân đối nhu cầu đào
tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa
phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế.
- Các ngành của Tỉnh và UBND các huyện,
thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực
giai đoạn 2016-2020 trong phạm vi, lĩnh vực quản lý và báo cáo thường xuyên
hàng năm về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá.
c) Đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân
lực
- Xây dựng, ban hành các cơ chế,
chính sách để khuyến khích người lao động tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình
độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ, huy động sự đóng góp của
các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong đào tạo, nâng cao năng lực cho
người lao động.
- Có chính sách thu hút, đãi ngộ đối
với nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước về làm việc, công tác tại
địa phương.
- Có chính sách đưa học sinh giỏi ở bậc
trung học phổ thông đi đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước.
- Đẩy mạnh công tác quảng bá tuyên
truyền chính sách thu hút nhân tài của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
d) Huy động nguồn lực
- Dự kiến tổng vốn đầu tư cho phát
triển nhân lực giai đoạn 2016-2020 là 23.000 tỷ đồng.
Trong đó:
+ Vốn đào tạo nhân lực giai đoạn
2016-2020: khoảng 21.000 tỷ đồng.
+ Vốn đầu tư tăng cường cơ sở vật chất
đào tạo giai đoạn 2016- 2020: khoảng 2.000 tỷ đồng;
- Trong đó phân theo nguồn:
+ Ngân sách Trung ương chi khoảng:
6.900 tỷ đồng (chiếm khoảng 30%);
+ Ngân sách địa phương khoảng: 14.950
tỷ đồng (chiếm khoảng 65%);
+ Nguồn vốn huy động khác từ doanh
nghiệp, người lao động đóng góp, các chương trình và dự án hỗ trợ khác khoảng: 1.150
tỷ đồng (chiếm khoảng 5%).
đ) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động
theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực
- Nâng cao chất lượng của sàn giao dịch
việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động; phát huy hiệu quả sản
xuất, kinh doanh các khu công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đẩy nhanh
tiến độ xây dựng khu kinh tế và khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động; chuẩn bị
các điều kiện để dự án khu công nghệ cao được đưa vào quy hoạch của Chính phủ,
triển khai tốt chương trình xây dựng nông thôn mới để chuyển dịch cơ cấu lao động
nông thôn, đào tạo lao động, thu hút nhân lực cho các khu công nghiệp, khu kinh
tế; nâng cao chất lượng việc làm và năng suất lao động, phát triển các ngành
công nghiệp phụ trợ, các dịch vụ, có mức thu nhập cao để thu hút lao động qua
đào tạo.
- Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động
phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông
nghiệp, giảm dần tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động trong các ngành nghề giữa thành
thị và nông thôn.
- Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng
cao phục vụ xuất khẩu lao động sang các nước phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản,
Mỹ....
e) Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và
hợp tác để phát triển nhân lực
- Tăng cường phối hợp và hợp tác có
hiệu quả với các tỉnh, thành phố khác để phát triển đào tạo
trên địa bàn tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả các chương
trình, đề án phát triển nhân lực của Trung ương, góp phần
thúc đẩy phát triển nhân lực của tỉnh.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh
vực phát triển nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học để triển
khai các dự án hợp tác đào tạo, trao đổi cán bộ/sinh viên, tổ chức và tham gia
các hội thảo quốc tế, mời giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy một số môn hoặc
thực hiện các buổi hội thảo khoa học; mở rộng các chương trình đào tạo tiên tiến.
- Tiếp tục phát huy các chương trình
liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín chất lượng trên thế giới.
- Khai thác các nguồn vốn tín dụng ưu
đãi của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, JICA... để phát triển hệ thống giáo dục
- đào tạo, khoa học - công nghệ, phát triển nhân lực. Thu hút, khuyến khích đầu
tư trong lĩnh vực phát triển nhân lực.
g) Các chương trình, dự án, đề án ưu
tiên
- Đề án xây dựng, phát triển Đại học
Huế thành đại học Quốc gia.
- Đề án "Xây dựng Trung tâm quốc
gia về công nghệ sinh học miền Trung"
- Đề án hình thành Trường Đại học
Công nghiệp Huế (trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế).
- Đề án thành lập Trường Đại học Du lịch
hoặc Học viện Du lịch Huế (trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế và Khoa
Du Lịch - Đại học Huế)
- Đề án phát triển đội ngũ trí thức,
nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế.
- Tiếp tục Đề án Phát triển Trường
THPT chuyên Quốc học giai đoạn 2010-2020.
- Đề án thành lập Trường Đại học Dược
trên cơ sở Khoa Dược của Trường Đại học Y Dược Huế.
- Đề án phát triển đội ngũ giáo viên
dạy nghề.
- Các dự án xây dựng ký túc xá sinh
viên, học sinh.
- Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn
nhân lực.
- Dự án xây dựng Học viện âm nhạc Huế.
- Dự án phát triển công viên phần mềm.
- Đầu tư Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải
miền Trung; hoàn thành 2 dự án trọng điểm: "Đầu tư, tăng cường khả năng kiểm
định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa" và "Nâng cao năng lực
của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ".
IV. PHÂN CÔNG TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN
Các Sở, ban, ngành triển khai các nhiệm
vụ được giao theo phụ lục kèm theo kế hoạch này và thực hiện một số công tác trọng
tâm sau:
1. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
- Lồng ghép các chương trình, mục
tiêu, định hướng và giải pháp phát triển nhân lực vào Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội cũng như chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm của Tỉnh;
tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để tăng nguồn vốn
đào tạo phát triển nhân lực tỉnh;
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính
sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển các cơ
sở đào tạo nhân lực có chất lượng cao tại tỉnh; kêu gọi đầu tư từ nguồn viện trợ
ODA, FDI của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào lĩnh vực phát triển nhân lực.
- Phối hợp với các ngành, địa phương
liên quan xây dựng kế hoạch hằng năm đào tạo nguồn nhân lực; theo dõi, đánh giá
hiệu quả của công tác phát triển nguồn nhân lực; đề xuất kế hoạch đầu tư các cơ
sở đào tạo, dạy nghề có sử dụng nguồn vốn ngân sách trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch
được duyệt.
- Lập Kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn
nhân lực các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 bằng
việc tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp;
hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) (hoàn thành
trong quý
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch kết nối giữa cơ
sở đào tạo (nhất là các trường Đại học, cao đẳng) với các doanh nghiệp có các dự
án đầu tư lớn đã, đang và sẽ triển khai trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020
về khả năng hợp tác đáp ứng quan hệ cung cầu nhân lực kịp thời, hạn chế việc
đào tạo không phù hợp với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
- Chủ trì xây dựng các kế hoạch hợp
tác ứng dụng nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học, cao đẳng với doanh
nghiệp và các tổ chức kinh tế tập thể (HTX); liên kết giữa HTX và các doanh
nghiệp.
- Tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn
Ban chỉ đạo phát triển nhân lực tỉnh Thừa Thiến Huế do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân
tỉnh là Trưởng ban, có sự tham gia của đại diện các doanh
nghiệp, cơ sở đào tạo, các sở, ban ngành, địa phương có liên quan, để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác đào tạo
nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, khu vực và cả nước.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch huy động và bố trí nguồn lực
để thực hiện kế hoạch đào tạo và phát triển nhân lực hàng năm.
- Đảm bảo nguồn kinh phí cho các nhiệm
vụ phát triển nguồn nhân lực trong kế hoạch này trong chi thường xuyên của các
cơ quan đơn vị; theo dõi và báo cáo tổng hợp hàng năm cho UBND tỉnh.
3. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh
ủy, các sở, ngành, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh và địa phương xây dựng kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ (quản lý nhà nước, lý luận chính trị,
ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ, kỹ năng..,) cho đội ngũ công chức, viên chức trên
địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách nhằm
thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước của tỉnh.
- Xây dựng Đề án phát triển đội ngũ
trí thức, nhân lực chất lượng cao của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020.
- Xây dựng chính sách đào tạo cán bộ
lãnh đạo, quản lý trẻ trưởng thành từ thực tiễn trong các cơ quan nhà nước trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
- Xây dựng chính sách ưu đãi, tạo môi
trường để thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện đến công tác các
vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan xây dựng đề án thành lập Học viện Du lịch trên cơ sở nâng cấp trường
Cao đẳng nghề Du lịch Huế và khoa Du Lịch - Đại học Huế.
- Phối hợp với trường Đại học Y Dược,
Đại học Huế xây dựng đề án thành lập trường Đại học Dược trên cơ sở nâng cấp
Khoa Dược của Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế
4. Sở
Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà
soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở dạy nghề theo hướng gọn, hiệu quả trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục
và Đào tạo và các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành
phố thực hiện hoàn thiện, củng cố và phát triển các Trung tâm GDNN - GDTX sau
khi sáp nhập đảm bảo phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng dạy nghề.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Thông tin Truyền thông, Cục Thống kê tỉnh lập
đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực.
- Chủ trì, phối hợp với sở ngành, địa
phương và các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt, tổng hợp các nhu cầu của doanh
nghiệp về nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, làm đầu mối liên hệ với các
cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế nhằm thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ
và các loại hình đào tạo khác, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa
bàn.
- Tổ chức các sàn giao dịch và hội chợ
việc làm nhằm tạo cơ hội tiếp xúc giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo
và thông tin thị trường lao động; bổ sung nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc
làm để Trung tâm này trở thành nơi cung cấp thông tin về lao động, việc làm,
nhu cầu đào tạo cho doanh nghiệp, người học, cơ sở đào tạo
và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề.
5. Sở Giáo dục
và Đào tạo
- Xây dựng kế hoạch đào tạo đối với
những lĩnh vực, ngành học, cấp học còn thiếu giáo viên và nâng chuẩn đội ngũ
giáo viên hiện có tại các trường phổ thông, mầm non và các trường trung học
chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tiếp tục
triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020, tiếp tục
thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đề án phát triển Trường THPT
chuyên Quốc học giai đoạn 2010-2020.
- Xây dựng Đề án xã hội hóa lĩnh vực
giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020; Đề án "xã hội
học tập".
- Rà soát, bổ sung, đề xuất các chế độ
chính sách cho giáo viên trong giai đoạn mới.
- Tổ chức điều tra tình hình việc làm
của các sinh viên các địa phương sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng để làm cơ
sở xây dựng kế hoạch đào tạo giai đoạn 2016-2020.
6. Sở Y
tế
- Phối hợp với Bệnh viện Trung ương
Huế, Đại học Y Dược Huế xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển
giao kỹ thuật cao ngành y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh,
huyện; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tập trung cho lĩnh vực y tế chuyên sâu,
theo dõi, trợ giúp và nghiên cứu nhân rộng mô hình Bác sĩ gia đình của Bệnh viện
Trường Đại học Y Dược Huế.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn
nhân lực ngành y tế đáp ứng yêu cầu giai đoạn 2016-2020.
- Phối hợp với Trường Đại học Y Dược,
Đại học Huế sớm thành lập trường Đại học Dược trên cơ sở khoa Dược của Trường Đại
học Y Dược.
7. Sở Văn hóa, Thể thao
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
có liên quan xây dựng kế hoạch xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển nguồn nhân
lực lĩnh vực văn hóa, thể thao đến năm 2020 trong đó bao gồm kế hoạch phát triển
nguồn nhân lực thể thao thành tích cao.
8. Sở Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
có liên quan xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực lĩnh
vực du lịch giai đoạn 2016-2020 trong đó bao gồm kế hoạch phát triển nguồn nhân
lực cán bộ quản lý du lịch.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm thành lập Học viện Du lịch trên cơ sở nâng cấp Trường Cao
đẳng nghề Du lịch Huế và khoa Du Lịch - Đại học Huế.
9. Sở Khoa học và Công nghệ
Hoàn thiện hệ thống thiết chế khoa học
- công nghệ. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ thuộc "Quy hoạch phát triển
khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn 2030". Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học
công nghệ đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp nhận và phát triển
các công nghệ mới; chú trọng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Kết hợp hài hòa giữa
sử dụng cán bộ khoa học tại chỗ với tranh thủ chuyên gia đầu ngành của Trung
ương và nước ngoài. Nâng cao, hoàn thiện công tác theo dõi và thống kê tình
hình đội ngũ làm khoa học trên địa bàn tỉnh theo từng ngành, lĩnh vực để xây dựng
kế hoạch phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học giai đoạn 2016-2020.
Xây dựng kế hoạch hoạt động hỗ trợ hệ
sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
trên cơ sở tiếp tục kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 23/9/2016
của UBND tỉnh về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa
Thiên Huế giai đoạn 2016-2018.
Xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện
quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016
của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
10. Sở xây dựng
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn
nhân lực lĩnh vực xây dựng đến năm 2020.
- Kế hoạch nâng cao năng lực cán bộ
quản lý đô thị, thẩm định, giám sát công trình.
11. Sở Thông tin
và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí và các tổ chức chính trị xã hội
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy
hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020. Thường xuyên phản ánh các tin,
bài về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào
tạo trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành đề án quy hoạch ứng dụng
và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn
nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư xây dựng chính sách ưu đãi phát triển công viên phần mềm.
12. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, các
địa phương, các cơ sở đào tạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các
địa phương, đảm bảo đủ quỹ đất để phát
triển các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Lập kế hoạch
sử dụng đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật
và phát triển nhân lực phục vụ công tác đào tạo nghề theo Quy hoạch.
13. Ban Quản lý
Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên
Huế
Chủ trì xây dựng kế hoạch tuyển dụng,
sử dụng của năm và giai đoạn 2016-2020 theo ngành nghề, giới tính, trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp trong khu
công nghiệp, khu kinh tế thuộc Ban quản lý; Phối hợp với sở Công thương xây dựng
kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, khu kinh tế
(trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp).
14. UBND các
huyện, thị xã và thành phố
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn phù hợp quy định của pháp luật.
Tham gia phối hợp thực hiện các chương trình, đề án đào tạo,
dạy nghề cho các đối tượng trên địa bàn. Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ
thể và chủ động bố trí nguồn lực, lồng ghép các chương
trình, dự án để triển khai Chương trình tại địa phương.
15. Các cơ sở
giáo dục và đào tạo, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động
Xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển
nhân lực của đơn vị mình. Chủ động bố trí nguồn lực của mình trong việc đào tạo,
bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực.
Các cơ sở giáo dục tiến hành đẩy
nhanh các dự án thuộc phạm vi quản lý như: xây dựng, phát triển Đại học Huế
thành đại học Quốc gia; đề án "Xây dựng Trung tâm quốc gia về công nghệ
sinh học miền Trung"; Dự án hình thành Trường Đại học
Công nghiệp Huế (trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Công
nghiệp Huế); dự án thành lập Trường Đại học Du lịch hoặc Học viện Du lịch Huế
(trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế và
Khoa Du Lịch - Đại học Huế).
Các DN tăng cường hợp tác với cơ sở
đào tạo; xác định nhu cầu nhân lực; huy động và chia sẻ nguồn lực, kinh phí
cùng với các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh công tác đào tạo,
nghiên cứu khoa học theo nhu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở thực tập, thực
tế cho học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo. Chủ động
cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng trên địa bàn để tập hợp các nhu cầu
của cơ quan mình về nguồn nhân lực.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ các nội dung kế hoạch này,
các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
2. Định kỳ hàng quý, hàng năm các cơ
quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu
thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban, ngành, địa
phương phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch
và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Đại học Huế;
- Trường CĐCN Huế, CĐ nghề DL Huế;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- VP: LĐ và CV;
- Lưu: VT, TH, GD.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Dung
|