Kế hoạch 192/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 192/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2023
Ngày có hiệu lực 11/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Nguyễn Minh Luân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/KH-UBND

Cà Mau, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21-CT/TW NGÀY 04/5/2023 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Kế hoạch số 178-KH/TU ngày 26/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; giúp người lao động tham gia hiệu quả vào thị trường việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực của tỉnh; nhất là nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo, cảng biển, chuyển đổi số,... trong giai đoạn hiện nay.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề, có công nghiệp hiện đại, bảo đảm về quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 40 - 45% học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

- Tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 28.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 35% lực lượng lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

- 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

- Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đạt 50% vào năm 2030.

- Phát triển 100% nhà giáo đạt chuẩn theo quy định; 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.

- Phát triển có 01 trường cao đẳng đạt trường chất lượng cao, trình độ đào tạo tương đương trình độ các nước ASEAN-4; hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh được đầu tư đồng bộ đáp ứng tổ chức đào tạo tại trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 02 đến 03 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

- Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn.

- Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao; trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trong nước và quốc tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

- Đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công đột phá đổi mới giáo dục nghề nghiệp về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 để tạo thuận lợi phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, trong đó chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số,... và lao động thất nghiệp, thiếu việc để tìm việc làm, hòa nhập thị trường lao động.

- Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: thực hiện đánh giá hoạt động mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hằng năm, 05 năm để xem xét tổ chức lại mạng lưới, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ phù hợp, hiệu quả; nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, thực hiện kiểm định chất lượng ngành nghề đào tạo nhất là các nghề trọng điểm; khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt chuẩn kiểm định chất lượng; ưu tiên đặt hàng đào tạo đối với trường đạt tiêu chuẩn kiểm định, một số ngành nghề thị trường có nhu cầu cao, ngành nghề cần thiết cho sự phát triển nhưng khó tuyển sinh, nghề nặng nhọc, độc hại... mà ít cơ sở đào tạo hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập không đào tạo.

2. Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của giáo dục nghề nghiệp

- Đa dạng hóa, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục nghề nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, cơ sở đào tạo trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, tầm quan trọng của kỹ năng lao động và cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo nghề nghiệp; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về giáo dục nghề nghiệp, phát thanh tại khu vực nông thôn, bảo đảm thông tin tin cậy, đầy đủ, kịp thời, phù hợp với từng nhóm đối tượng về hình ảnh, vị thế, thông điệp quốc gia về giáo dục nghề nghiệp, ngày kỹ năng lao động Việt Nam, tuần lễ kỹ năng nghề... tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

- Hình thành đội ngũ làm công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực cho các cán bộ truyền thông trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng, các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề.

[...]