Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 96/NQ-CP và Chương trình hành động 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 186/KH-UBND
Ngày ban hành 30/09/2022
Ngày có hiệu lực 30/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 30 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 96/NQ-CP NGÀY 01/8/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 23-CTR/TU NGÀY 17/8/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XVII) THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ SỐ 11-NQ/TW NGÀY 10/02/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 17/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể, gắn với chức năng nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, hiệu quả, phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2030

Giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 9,5%; Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; dịch vụ chiếm 40,8%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 13,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); Thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt 35%.

- Hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 100% số xã (tổng số 122 xã), trong đó 50% số xã (61 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã (18 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 70% số đơn vị cấp huyện (04 cấp huyện) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện (01 cấp huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Thu nhập bình quân từ trồng rừng: Giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng sản xuất 01 ha/chu kỳ, đến năm 2030: đối với rừng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 190 triệu đồng; đối với rừng gỗ lớn (chu kỳ trên 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng. Năng suất gỗ rừng trồng đạt bình quân 28m3/ha/năm.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỉ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 2-2,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số dưới 10%. Đạt 40 giường bệnh/10.000 dân và 11 bác sĩ/10.000 dân; phấn đấu đạt 100% số xã có bác sỹ và 100% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Tỉ lệ trường chuẩn quốc gia cấp học mầm non trên 65%, cấp tiểu học, trung học cơ sở trên 83%, cấp trung học phổ thông trên 60%.

- Tỉ lệ che phủ rừng trên 65%. Tỉ lệ dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98%. Tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 100%; tỉ lệ chất thải nguy hại được thu, gom xử lý đạt 100%; tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung đạt 96%; 100% nước thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường.

III. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc, phát triển xanh, bền vững và toàn diện, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Thực hiện quán triệt, tuyên truyền về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 17/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển và liên kết vùng

Tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển và liên kết vùng, có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu đề ra; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh đặt trong mối liên kết với vùng trung du và miền núi phía Bắc ; đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng; cơ chế, chính sách đặc thù; phân bổ nguồn lực; nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế của tỉnh và của vùng; giải quyết các vấn đề quan trọng của tỉnh trong mối liên hệ với vùng; mối quan hệ với các tỉnh trong vùng. Thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc khó tuân thủ, bất hợp lý để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Phối hợp chặt chẽ trong việc lập và triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư phát triển các vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, các trục liên kết dọc (hướng Bắc Nam và Tây Bắc - Đông Nam), các trục liên kết ngang (hướng Đông - Tây); chủ động tham gia phát triển các hành lang kinh tế: Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang; Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng; liên kết sâu rộng với các hành lang kinh tế khác: Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn,...

Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối vùng, liên vùng trong tỉnh và hệ thống giao thông quốc gia; hoàn thành các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, các phương thức vận tải tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, cụ thể: hoàn thành xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; phối hợp đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn chợ Chu - Ngã 3 Trung Sơn kết nối với tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên; tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang; đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên vành đai 2 (Quốc lộ 279) và vành đai 3 (Quốc lộ 37) và một số tuyến như Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 3B,... phối hợp với các tỉnh lân cận thống nhất, đề xuất đầu tư xây dựng các tuyến đường liên vùng: Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái và Lạng Sơn - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang để tăng cường tính kết nối giao thông giữa các tỉnh, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế từ thủ đô Hà Nội với các tỉnh Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang - Bắc Kạn - Cao Bằng và Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái. Huy động nguồn vốn chuẩn bị đầu tư xây dựng các tuyến đường liên kết vùng: Đường từ thành phố Tuyên Quang đi xã Tam Đa, huyện Sơn Dương đến huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc kết nối với nút giao IC5, IC6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường từ huyện Hàm Yên (cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang) đi huyện Chiêm Hóa đến huyện Na Hang kết nối với tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Hà Giang; chuẩn bị các điều kiện để nghiên cứu, đề xuất thêm loại hình giao thông là đường sắt và sân bay chuyên dùng.

Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến Quốc lộ; hoàn thành nâng cấp cải tạo QL.2C đoạn từ km217 - km247 (Chiêm Hoá - Na Hang); ưu tiên đề xuất nâng cấp, cải tạo và sửa chữa QL.37; QL.3B đoạn qua địa bàn tỉnh; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường huyện và mạng lưới giao thông nông thôn; nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường từ trung tâm các huyện, thành phố đến trung tâm các xã; đầu tư các tuyến đường trục chính qua trung tâm xã theo hướng đường đô thị (đầu tư đồng bộ về mặt đường, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh và hệ thống thoát nước); tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng đường tỉnh ĐT.185 (đoạn từ thị trấn Na Hang đi xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình và đoạn Ninh Lai, Thiện Kế huyện Sơn Dương kết nối với xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc), đường tỉnh ĐT.186 (từ ngã 3 Thượng Ấm giao với QL.37 đi xã Hồng Lạc, Sơn Nam, huyện Sơn Dương) theo tiêu chuẩn kỹ thuật đủ điều kiện để nâng thành đường Quốc lộ 2C và 2D theo quy hoạch đường bộ quốc gia và một số đoạn tuyến đường tỉnh quan trọng khác.

Xây dựng các tuyến giao thông kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Hoàn thiện và cải tạo chỉnh trang các tuyến đường đô thị, từng bước hình thành tuyến đường vành đai thành phố Tuyên Quang (điểm đầu từ nút giao giữa cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Quốc lộ 2D đến Suối khoáng Mỹ Lâm, tuyến đi tránh thành phố Tuyên Quang qua Trung tâm huyện Yên Sơn, tiếp tục vượt sông Lô tại xã Tân Long, đi theo Quốc lộ 2C, đường Hồ Chí Minh qua cầu Bình Ca và kết thúc tại điểm ban đầu); xây dựng cầu và tuyến đường tránh thị trấn Sơn Dương từ Km183 QL.37 đi qua tổ dân phố Tân Kỳ, Tân Phúc qua QL.2C đến Km188 QL.37, tổ dân phố Đăng Châu, huyện Sơn Dương; cải tạo nâng cấp đường Tân Yên - Thái Sơn - Thái Hòa - Đức Ninh, huyện Hàm Yên; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi Trung tâm huyện Yên Sơn Km14 QL2 Tuyên Quang - Hà Giang; đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang (Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Tuyên Quang) đi khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, phường Mỹ Lâm, thành phố Tuyên Quang; xây dựng mới tại trung tâm huyện ít nhất 01 trục đường phát triển đô thị, đường từ trung tâm xã Đà Vị đến trung tâm xã Hồng Thái, huyện Na Hang và một số tuyến đường khác đến các khu, cụm công nghiệp, du lịch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đầu tư xây dựng mới các cầu lớn vượt sông Lô, sông Gâm: cầu Xuân Vân, cầu Tân Long qua sông Gâm, huyện Yên Sơn; cầu Trường Thi, thành phố Tuyên Quang; cầu qua sông Lô km71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên; cầu vượt sông Phó Đáy: cầu Sơn Dương 2, thị trấn Sơn Dương, cầu Sơn Nam - Ninh Lai và cầu Trắng 2 xã Tân Trào, huyện Sơn Dương,... trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị theo quy hoạch.

Huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư xây dựng mới bến xe khách: Bến xe khách Tuyên Quang, bến xe khách huyện Na Hang, Lâm Bình và bến xe khách huyện Hàm Yên; thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý đối với các bến xe khách còn lại; các trạm dừng nghỉ trên tuyến QL.2 (trạm Bình Ca, trạm Hàm Yên), QL.2C (trạm Sơn Dương), QL.279 (trạm thị trấn Na Hang) và các điểm dừng chân, điểm tham quan du lịch trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đến các khu, điểm du lịch,... xã hội hóa đầu tư xây dựng 19 bãi đỗ xe trên địa bàn huyện, thành phố.

Thu hút đầu tư xây dựng mới cảng cạn Tuyên Quang theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận; giai đoạn đến năm 2030, năng lực thông quan hàng hóa 35.000 TEU/năm hoặc lớn hơn. Cải tạo tuyến đường thủy trên sông Lô đoạn từ thành phố Tuyên Quang đến thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

[...]