Kế hoạch 184/KH-UBND năm 2017 về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 184/KH-UBND
Ngày ban hành 08/08/2017
Ngày có hiệu lực 08/08/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 184/KH-UBND

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỘI NHẬP QUỐC TẾ THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhp quc tế;

Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế;

Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Căn cứ Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND Thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội;

UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn tại Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014, Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ, trong đó chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội;

Tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững ngang tầm với Thủ đô và Thành phố lớn của các nước phát triển trong khu vực, đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế

Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không còn phù hợp; ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật, các cam kết quốc tế và tình hình thực tế. Đề xuất, kiến nghị các nội dung triển khai thực hiện theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn,... bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch, đề án về hội nhập quốc tế từ nay đến năm 2020 trong từng ngành, lĩnh vực.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ.

Xây dựng phong cách làm việc đối với doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa. Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực đặc biệt là thuế, hải quan, kho bạc,... một cách toàn diện, hiện đại để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Từng bước triển khai Chính phủ điện tử trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, công dân như thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục kê khai, nộp thuế, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, đăng ký kinh doanh,...

Đẩy mạnh việc công khai minh bạch, đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành về các quy định của luật pháp, cơ chế chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, các thủ tục hành chính,... Cập nhật, tăng tính hữu ích của website các Sở, ban, ngành, duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời.

Rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các Sở, ban, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế,... có liên quan và tác động đến nhiều Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Tăng cường triển khai công tác liên kết, phối hợp liên vùng và với các tnh, thành phố trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Thành phố, doanh nghiệp.

Chú trọng việc đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về hội nhập quốc tế để kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh và đề xuất phương hướng giải quyết.

Tăng cường sự tham gia và phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đề xuất các chính sách về kinh tế và hội nhập quốc tế, đảm bảo được sự nhất quán, cân bằng được lợi ích tổng thể về kinh tế - chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu và cơ quan hoạch định, thực thi chính sách trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình nghiên cứu và sử dụng các kết quả nghiên cứu, dự báo, đánh giá.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt nội dung các Nghị quyết về hội nhập quốc tế; các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của hội nhập quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực.

Tuyên truyền về chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan; tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn đến 2020.

[...]