Chương trình 78/CTr-UBND năm 2016 phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 78/CTr-UBND
Ngày ban hành 22/04/2016
Ngày có hiệu lực 22/04/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/CTr-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2016- 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội; Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 -2020; để phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó trọng tâm phát triển thương mại điện tử, UBND Thành phố ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014;

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 7 tháng 5 năm 2014 của UBND Thành phố về việc ban hành “Quy định quản lý và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội”;

3. Tổ chức thiết lập và điều hành Hệ thống thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội;

4. Điều hành hiệu quả website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” có địa chỉ mạng tại http://bandomuasam.hanoi.gov.vn là một công cụ trực tuyến - bản đồ số, sử dụng nền tảng công nghệ web-base để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí... trên địa bàn thành phố Hà Nội;

5. Triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, chủ đề trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung phát triển thương mại, dịch vụ thương mại hiện đại, thương mại điện tử và hội nhập kinh tế quốc tế;

6. Hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm, hàng hóa làng nghề truyền thống và nông sản;

7. Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các mô hình thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp như doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - chính phủ (B2G); đồng thời, phát triển các tiện ích thanh toán thương mại điện tử và hệ thống quản lý thanh toán thương mại điện tử quốc gia để sử dụng rộng rãi cho các mô hình trên;

8. Phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận phục vụ hoạt động thương mại điện tử trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước;

9. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

10. Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho các đối tượng tham gia.

II. YÊU CẦU:

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được phân công tại Chương trình này tổ chức thực hiện.

2. Ban chỉ đạo thương mại điện tử Thành phố chủ động và tích cực tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, phức tạp, liên ngành; chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Các thành phần kinh tế hoạt động thương mại điện tử cần năng động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường, nguồn lực cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

1. Phấn đấu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 1%.

2. Giữ vững thứ hạng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

3. Đến năm 2020, nâng số lượng website/ứng dụng TMĐT hoạt động theo đúng quy định của pháp luật chiếm 20% trong tổng số website/ứng dụng TMĐT đang hoạt động trên địa bàn Thành phố; phấn đấu số lượng website/ứng dụng TMĐT thực hiện nghĩa vụ thông báo/đăng ký tăng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 2%.

4. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2020 đạt 70% số người sử dụng Internet trên địa bàn Thành phố; tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 2%.

5. Đến năm 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

6. Hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp kinh doanh bằng thương mại điện tử.

7. Hình thành, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới uy tín.

IV. NỘI DUNG CỤ THỂ:

1. Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử:

[...]