Kế hoạch 1796/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1796/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2022
Ngày có hiệu lực 12/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1796/KH-UBND

Gia Lai, ngày 12 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030; Thông tư số 01/2022/TT-BYT ngày 10/1/2022 qui định ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số;

Thực hiện Công văn số 1544/BYT-TCDS ngày 11/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai như sau:

A. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ

1. Về trang thiết bị tin học phục vụ kho dữ liệu chuyên ngành dân số

Hiện nay, thiết bị tin học như máy tính, máy in phục vụ cho kho dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) các cấp gồm có: Hệ thống mạng LAN, đường kết nối Internet (được trang bị từ cấp tỉnh đến cấp huyện). Phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ (MIS) được trang bị ở cấp tỉnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Hệ thống máy vi tính cài đặt phần mềm hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ (máy trạm và máy chủ); Cấp tỉnh: 01 máy chủ (trang bị năm 2015) và 01 máy trạm (trang bị năm 2013). Cấp huyện: Mỗi huyện/thị xã/ thành phố được bố trí 01 máy chủ, 01 máy trạm để cài phần mềm hệ thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ.

Hiện tại kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ và hệ thống thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ còn tồn tại, đố là: Tính đến 31/12/2021, hệ thống kho dữ liệu chuyên ngành dân số tỉnh lưu trữ thông tin cơ bản của hơn 357.749 hộ dân cư và 1.563.700 nhân khẩu trong toàn tỉnh (đạt 90%). Kết quả rà soát, khóa sổ quản lý DS-KHHGĐ (Số A0) của cộng tác viên năm 2021 chuẩn bị cho đổi sổ năm 2022 cho thấy tỷ lệ thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ còn bị bỏ sót, trùng lặp, không đúng phạm vi, khái niệm trong ghi chép ban đầu của cộng tác viên vào sổ A0 là 10%; tỷ lệ thông tin hộ dân cư bị trùng lặp, không đúng phạm vi, khái niệm trong kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ là 15%.

2. Nguyên nhân của hạn chế:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.662 cộng tác viên dân số, phần lớn là kiêm nhiệm các Hội, đoàn thể, y tế thôn bản...Một số cộng tác viên do quản lý địa bàn rộng, đông dân cư, nhân khẩu thường xuyên biến động dẫn đến nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Một số địa bàn thiếu cộng tác viên hoặc thay đổi cộng tác viên nên vẫn chưa quản lý, cập nhật hết thông tin dân cư trên địa bàn.

Cán bộ phụ trách công tác báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ và quản trị kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ chỉ có 01 người, việc cập nhật thông tin biến động hàng tháng tại cấp huyện hầu như quá tải (nhất là các thành phố, thị xã đông dân, biến động dân cư nhiều) nên việc thẩm định thông tin và cập nhật thông tin vào kho dữ liệu chưa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo và không đảm bảo thời gian in, trả phiếu thông tin DS -KHHGĐ lại cho cộng tác viên cập nhật vào Sổ A0.

Phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ do Trung ương cấp vẫn chưa hoàn thiện, thường xuyên xảy ra lỗi; phần mềm chưa được triển khai đến cấp xã.

Trình độ tin học của cán bộ quản trị kho dữ liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ chưa cao và không đồng đều nên chưa chủ động trong việc cài đặt, khôi phục dữ liệu khi phần mềm hệ thống thông tin quản lý DS-KHHGĐ xảy ra lỗi.

Trang thiết bị tin học như máy tính, máy in phục vụ kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ các cấp tỉnh, huyện đã cũ (trên 5 năm, thậm chí 10 năm) nên đã xuống cấp, hư hỏng, không còn tương thích với phần mềm.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BYT ngày 10/01/2022 quy định ghi chép ban đầu và chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin dân số phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai

B. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

I. SỰ CẦN THIẾT

Hệ thống thông tin thống kê dân số là mạng lưới thống nhất, được duy trì thường xuyên, kết hợp con người và các phương tiện kỹ thuật để thu thập, xử lý, phân tích, tìm kiếm, lưu trữ và cung cấp những thông tin, số liệu cần thiết phục vụ quản lý, điều hành hoạt động và hỗ trợ ra quyết định trong các cơ quan DS-KHHGĐ các cấp trong toàn tỉnh. Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã thu thập các thông tin cơ bản của từng người dân trong từng hộ gia đình và thống kê các thông tin biến động (sinh, chết, kết hôn, ly hôn, chuyển đi, chuyển đến). Việc thu thập thông tin cơ bản, cập nhật thông tin biến động được thực hiện bởi mạng lưới thu thập thông tin gắn liền với mạng lưới cộng tác viên cung cấp thông tin và dịch vụ DS-KHHGĐ từ thôn, làng, tổ dân phố đến các cấp xã, phường...

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã được tin học hóa thành công quy trình lưu trữ và xử lý, lập báo cáo thống kê chuyên ngành đến cấp huyện trên phạm vi toàn quốc với phần mềm dùng chung, thống nhất. Các kho dữ liệu chuyên ngành dân số tại 3 cấp: Trung ương, tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố được kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hệ thống thông tin DS- KHHGĐ được triển khai từ năm 2003 (phần mềm MIS - Kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ) từ tỉnh đến cấp huyện. Hiện tại việc khai thác, quản lý kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ thực hiện theo Quyết định 18/QĐ-TCDS ngày 17/3/2016 của Tổng cục Dân số - KHHGĐ ban hành Quy định tạm thời về mẫu Sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu tin của cộng tác viên dân số và mẫu biểu báo cáo thống kê chuyên ngành của kho dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và điều hành công tác DS-KHHGĐ và Công văn số 96/TCDS-KHTC ngày 18/3/2016 của Tổng cục Dân số - KHHGĐ hướng dẫn ghi chép ban đầu vào Sổ A0, ghi phiếu thu tin và lập báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ.

Để đảm bảo thông tin báo cáo chính xác, kịp thời hàng tháng cộng tác viên dân số thu thập thông tin biến động tại hộ gia đình vào phiếu thu tin và cập nhật vào sổ A0, đồng thời làm báo cáo thống kê tháng, quý, năm gửi viên chức dân số cấp xã; viên chức dân số cấp xã tiếp nhận phiếu thu tin, kiểm tra, rà soát thông tin do cộng tác viên thu thập và tiến hành nhập tin vào kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ cấp huyện sau đó kết xuất dữ liệu, báo cáo gửi lên kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ cấp tỉnh.

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành cho các cấp, các ngành phục vụ quản lý điều hành như: Cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành, lập danh sách trẻ em đi học, danh sách tuyển nghĩa vụ quân sự; hỗ trợ UBND các cấp xã sử dụng cơ sở dữ liệu này để in thẻ khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, lập danh sách cử tri, cung cấp thông tin, số liệu dân số trong ngành y tế...; phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển, hoàn thiện hệ thống thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin số liệu chuyên ngành dân số theo hướng hiện đại và kết nối liên thông; bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin số liệu thống kê dân số, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành các cấp góp phần xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thực hiện thành công Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Gia Lai.

2. Mục tiêu cụ thể (Có Phụ lục đính kèm).

- Thông tin số liệu trực tuyến về dân số được cập nhật, số hóa ở cấp xã đạt 95% năm 2025, đạt 100% năm 2030; cộng tác viên dân số thực hiện cập nhật thông tin số liệu trực tuyến bằng thiết bị di động thông minh đạt 90% năm 2030.

[...]