Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2022
Ngày có hiệu lực 11/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Hải Dương, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Thực hiện Công văn số 1544/BYT-TCDS ngày 11/03/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030,

Ủy ban nhân dân tỉnh, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

Dân số là mẫu số của mọi bài toán phát triển kinh tế-xã hội, việc lồng ghép yếu tố dân số vào lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu thiết yếu. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu nhiệm vụ “cơ quan dân số các cấp cần xác định phải chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu tại mọi thời điểm về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số cho các cơ quan, tổ chức trong toàn xã hội; cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số là mạng lưới thống nhất, được duy trì thường xuyên, kết hợp con người và các phương tiện kỹ thuật để thu thập, xử lý, phân tích, tìm kiếm, lưu trữ và cung cấp những thông tin, số liệu cần thiết phục vụ quản lý, điều hành hoạt động và hỗ trợ ra quyết định trong các cơ quan Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian qua, hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của tỉnh đã triển khai thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, được kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa cấp huyện với cấp tỉnh, trung ương. Thông tin đầu vào do đội ngũ cộng tác viên dân số tại thôn, khu dân cư, tổ dân phố thu thập hàng tháng, cán bộ dân số cấp xã giám sát hỗ trợ, xử lý, nên mọi thông tin biến động về dân số - KHHGĐ đều được cập nhật kịp thời, chính xác. Vì vậy, mọi thông tin biến động được cập nhật vào hệ thống máy tính thống nhất theo 4 cấp từ xã đến trung ương, thành kho dữ liệu điện tử các cấp, kết xuất ra các thông tin về Dân số-KHHGĐ phục vụ quản lý, điều hành của các cấp.

Hệ thống thông tin chuyên ngành dân số có thể đưa ra các chỉ tiêu Dân số KHHGĐ như: tổng số người dân; tổng số hộ gia đình; số trẻ mới sinh ra; số người chết; số người chuyển đi; số người chuyển đến; số người ly hôn, kết hôn; số phụ nữ đang sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại; ngày tháng, năm, sinh; trình độ học vấn, tình trạng cư trú, dân tộc của từng cá nhân,…. theo từng địa bàn dân cư. Tính đến quý III năm 2021, hệ thống thông tin chuyên ngành dân số của tỉnh Hải Dương đang lưu trữ thông tin của 508.028 hộ gia đình và 1.931.382 người dân.

Tuy nhiên, chất lượng thông tin chuyên ngành dân số hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ tình hình, dự báo dân số phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin số liệu dân số. Do đó, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương là rất cần thiết, nhằm hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số, cung cấp đầy đủ thông tin số liệu đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi cơ quan, tổ chức, phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

- Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

- Quyết định số 18/QĐ-TCDS ngày 17/3/2016 của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình ban hành Quy định tạm thời về mẫu sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu tin của cộng tác viên dân số và mẫu biểu báo cáo thống kê của kho dữ liệu phục vụ quản lý và điều hành công tác dân số-KHHGĐ;

- Kế hoạch số 80-KH/TU của Tỉnh Ủy Hải Dương ngày 26/01/2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “công tác dân số trong tình hình mới”;

- Kế hoạch hành động số 2196/KH-UBND ngày 24/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 giai đoạn 2020 - 2025.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1. Lịch sử hình thành và kết quả đạt được

Từ năm 1998, thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ quan dân số các cấp đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành dân số thống nhất tại 4 cấp (tỉnh, huyện, xã và kết nối với trung ương) trên phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống đã thu thập thông tin của từng người dân tại hộ gia đình vào kho số liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành của các cấp quản lý trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống được chuẩn hóa quy trình từ thu thập, cập nhật biến động hàng tháng, hàng quý, hàng năm và lưu trữ thông tin số liệu; xử lý, lập báo cáo thống kê định kỳ; cung cấp số liệu cho cơ quan thống kê, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan liên quan.

Năm 2004, hệ thống đã cơ bản hoàn thành việc số hóa thông tin chuyên ngành từ Sổ ghi chép ban đầu (Sổ giấy) của cộng tác viên dân số vào cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin chuyên ngành dân số cấp huyện. Từ đó đến nay, hệ thống chuyển sang giai đoạn cập nhật thông tin biến động thường xuyên. Tại tỉnh Hải Dương có 12 kho dữ liệu điện tử chứa thông tin hệ thống chuyên ngành dân số - KHHGĐ 12 huyện, thị xã, thành phố. Từ đó tích hợp thành kho dữ liệu điện tử cấp tỉnh và liên thông 63 kho dữ liệu cấp tỉnh thành kho dữ liệu điện tử cấp trung ương. Trang thiết bị cho mỗi kho dữ liệu điện tử là các máy chủ, kết nối các máy trạm thông qua hệ thống mạng LAN, kết nối kho dữ liệu các cấp thông qua hệ thống mạng Internet… Tại mỗi kho dữ liệu đều có nhiệm vụ vận hành, khai thác, lưu trữ thông tin chuyên ngành, phục vụ hoạt động quản lý.

2.2. Tồn tại, hạn chế

- Việc thu thập, cập nhật thông tin của mạng lưới cộng tác viên dân số tại một số địa phương còn chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa cao là do cộng tác viên thường thay đổi, chính sách đãi ngộ cộng tác viên dân số chưa hợp lý, chưa kịp thời.

- Lượng thông tin biến động lớn, viên chức dân số kiêm nhiệm nhiều việc nên đôi khi hoạt động giám sát cập nhật thông tin vào kho dữ liệu chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thống kê.

- Một số cán bộ mới làm công tác dân số thiếu các kỹ năng về phân tích, khai thác, sử dụng số liệu thống kê chuyên ngành.

- Việc tổng hợp số liệu của tỉnh, huyện vẫn theo phương thức cộng số liệu của các xã nên chưa xử lý đầy đủ việc di dân giữa các huyện, tỉnh; việc kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác còn hạn chế, máy tính, trang thiết bị qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hay hỏng hóc...Đặc biệt, còn thiếu chủ động cung cấp thông tin, phân tích chuyên sâu về động thái dân số trong quá khứ, hiện tại và tương lai phục vụ cho các cấp, các ngành hoặc theo nhu cầu.

[...]