Quyết định 485/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 485/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/02/2022
Ngày có hiệu lực 23/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 23 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4157/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030 và thực hiện công văn số 1544/BYT-TCDS ngày 11/3/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 844/TTr-SYT ngày 20/12/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; Bộ Y tế;
- Tổng cục Dân số-KHHGĐ;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB.MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- LĐVP, TH;
- TTCB, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Lộc Hà

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THÔNG TIN CHUYÊN NGÀNH DÂN SỐ ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh Bình Dương)

I. SỰ CẦN THIẾT

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ cung cấp số liệu đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số chính xác phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành dân số phải chủ động cung cấp thông tin, dữ liệu tại mọi thời điểm về quy mô, cơ cấu chất lượng và phân bố dân số cho các cơ quan, tổ chức khi cần thiết; việc đẩy mạnh lưu trữ, xử lý thông tin chuyên ngành dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) trên hệ thống kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ sẽ bảo đảm hình thành hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin số liệu dân số với các ngành. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 ngày càng phát triển góp phần làm thu hẹp khoảng cách không gian; hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại sẽ tạo ra cơ hội kết nối liên tục giữa các cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp và mở rộng khả năng chia sẻ với chi phí không cao.

Ngành dân số ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ từ năm 2003, tuy nhiên hiện tại còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) chất lượng thông tin chuyên ngành dân số hiện có chưa đáp ứng đầy đủ để phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin số liệu; (2) Thiếu cơ chế chia sẻ phổ biến thông tin dữ liệu dân số cho việc lồng ghép yếu tố dân số trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; (3) Chưa thực hiện được việc số hóa, cập nhật trực tuyến thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ tại cấp xã; (4) chất lượng thông tin đầu vào phụ thuộc vào lượng thông tin thu thập được của đội ngũ cộng tác viên dân số trong khi đội ngũ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện, trình độ học vấn không đồng đều, chế độ đào tạo, tập huấn và hỗ trợ cho đội ngũ này còn chưa tương xứng nên chất lượng thông tin chưa đảm bảo độ tin cậy cao.

Nhằm xử lý, giải quyết những hạn chế, bất cập trên và từng bước nâng cao chất lượng hệ thống thông tin chuyên ngành DS-KHHGĐ thì cần thiết phải ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG

1. Cơ sở pháp lý

Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

Quyết định số 771/QĐ-TTG ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương;

Công văn số 1544/BYT-TCDS ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030;

Quyết định số 4157/QĐ-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030.

2. Cơ sở thực tiễn

[...]