Kế hoạch 151/KH-UBND năm 2023 nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới do Thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 151/KH-UBND
Ngày ban hành 19/07/2023
Ngày có hiệu lực 19/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 19 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 30/01/2023 VỀ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Kế hoạch số 132-KH/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Công văn số 364-CV/BCSĐ ngày 24/5/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về việc triển khai Kế hoạch số 132-KH/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Nghị quyết) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc trong toàn Đảng, trong nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước; phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Đổi mới nội dung, phương thức quán triệt phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, ngành, lĩnh vực. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

- Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

- Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng kế hoạch

a) Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện xây dựng và ban hành kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW bằng hình thức phù hợp. Có thể lồng ghép vào việc triển khai quán triệt, học tập các nội dung nghị quyết khác.

b) Nội dung yêu cầu: xác định những nội dung, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW bảo đảm tính khả thi, thiết thực, phù hợp với tình hình từng đơn đơn vị.

c) Thời gian hoàn thành: Trong tháng 7/2023.

2. Một số nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW cần tập trung nghiên cứu, học tập và quán triệt

a) Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân. Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị xác định việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực.

b) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học. Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.

- Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong địa bàn thành phố và trên cả nước nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

c) Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vắc xin và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm. Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển.

Tập trung xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học, khai thác tối đa lợi thế vùng nhằm sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.

d) Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia ở miền Trung vào hoạt động; hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, các trung tâm đánh giá, kiểm định; xây dựng một số trung tâm kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt trình độ quốc tế; nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học, có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

a) Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện thực hiện phổ biến, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của địa phương, đơn vị bằng các hình thức phù hợp. Chú trọng những nhiệm vụ cụ thể được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, có thể lồng ghép cùng với các nội dung, nghị quyết khác.

b) Các cơ quan báo, đài của thành phố tuyên truyền Nghị quyết số 36-NQ/TW tập trung vào ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.

[...]