Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình hành động 88-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 182/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2023
Ngày có hiệu lực 06/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 88-CTR/TU NGÀY 19/6/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW, NGÀY 30/01/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chương trình hành động số 88-CTr/TU ngày 19/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 36-NQ/TW; Chương trình hành động số 88-CTr/TU); UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 88- CTr/TU đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo toàn diện trong việc tổ chức triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định và phân công tại Kế hoạch.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác phối hợp, lồng ghép các nội dung nhiệm vụ của cấp, ngành mình, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

Triển khai việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất, tài chính, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, kinh doanh tăng 50%.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp nhận và làm chủ các công nghệ sinh học chủ yếu; hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học, tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đưa Lạng Sơn trở thành tỉnh có khả năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm công nghệ sinh học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học; tiến tới phấn đấu đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển và có đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong tình hình mới

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 88-CTr/TU, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tới các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình số 88- CTr/TU cần được tiến hành với quy mô sâu rộng, với nhiều hình thức, phương thức truyền thông đa dạng, phong phú và phù hợp với với từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng truyền thông về các thành tựu công nghệ sinh học; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để chủ động khai thác phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chia sẻ thông tin về các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, tiên tiến về công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

Kịp thời cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 88-CTr/TU, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học với các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực. Đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong tình hình mới; phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học thông minh, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Cụ thể hóa cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học hiện có và cập nhật kịp thời, đầy đủ các chính sách mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có chính sách huy động nguồn lực phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao, quy mô lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh; tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; khuyến khích đầu tư kinh phí từ ngân sách đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới để tận dụng tiềm năng phát triển công nghệ sinh học của vùng; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ sinh học.

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, cơ chế liên kết giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống gắn với công tác nghiên cứu. Phối hợp triển khai, quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực. Hỗ trợ hình thành các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) của tỉnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế tại chỗ của tỉnh cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm công nghệ sinh học tại địa phương. Nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm công nghệ sinh học phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

[...]