Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 142/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2024
Ngày có hiệu lực 26/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 26 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN, TẬP TRUNG, BẢO ĐẢM TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;

Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2471/TTr-SNNPTNT ngày 07/6/2024 và ý kiến thống nhất của Thành viên UBND tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Kế hoạch); gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào điều kiện thực tế của địa phương.

2. Yêu cầu

- Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chung về phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung trên cơ sở hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; đảm bảo tốt việc truy xuất nguồn gốc; trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đa dạng chủng loại, có khả năng cạnh tranh cao,... đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

- Phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung gắn với bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt diện tích khoảng gần 1.500 ha, sản lượng đạt trên 24.000 tấn. Trong đó:

- Tỷ lệ diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn đạt trên 90%.

- Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 10% trở lên. Các địa phương ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc trưng, mang tính vùng miền và là thế mạnh của mình.

- Tỷ lệ diện tích rau tham gia liên kết sản xuất đạt trên 10%.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Định hướng phát triển sản xuất rau trên địa bàn toàn tỉnh

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh đạt khoảng trên 13.000 ha, sản lượng đạt gần 250.000 tấn; được trồng rải rác ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhóm rau chủ lực gồm: Rau ăn lá các loại (gồm mồng tơi, dền, rau muống, rau ngót, cải các loại,...); rau họ đậu các loại (gồm đậu đũa, đậu co-ve, các loại đậu khác...); rau củ, quả các loại (gồm dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cà tím, bầu, bí, mướp, khổ qua,...); rau gia vị hàng năm (gồm hành, tỏi, rau mùi, rau húng, tía tô, ớt cay,...).

2. Định hướng phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc trên toàn tỉnh Quảng Ngãi đạt khoảng gần 1.500 ha, sản lượng ước đạt trên 24.000 tấn; trong đó, sản xuất chủ yếu tại các huyện đồng bằng, như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức,... và Lý Sơn sản xuất tập trung tỏi (300ha), hành (650ha).

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tổ chức sản xuất

- Các huyện, thị xã, thành phố cần xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trong phương án Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan.

- Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn từ việc xây dựng vùng trồng, cấp, quản lý mã số đến bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

- Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau.

[...]