Kế hoạch 304/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 304/KH-UBND
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 22/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 304/KH-UBND

Sơn La, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN, TẬP TRUNG, BẢO ĐẢM TRUY XUẤT NGUỒN GỐC GẮN VỚI CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Thực hiện Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Đề án Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 676/TTr-SNN ngày 11/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương; phục vụ nhu cầu sử dụng rau ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong tỉnh, trong nước và một phần xuất khẩu, phát triển bền vững ngành hàng rau; góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó phấn đấu trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn; Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% trở lên.

2. Yêu cầu

Tổ chức sản xuất ngành hàng rau trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ giữa người trồng rau với Hợp tác xã/Tổ hợp tác và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau. Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong toàn bộ quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm rau chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh cao.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch đảm bảo kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Định hướng phát triển sản xuất rau toàn tỉnh

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn; trong đó, nhóm rau chủ lực gồm:

- Rau ăn lá diện tích khoảng 9.389 ha, sản lượng ước đạt 122.544 tấn, phân bổ ở tất cả các vùng trên địa bàn tỉnh.

- Rau họ đậu (gồm đậu đũa, đậu co-ve, các loại đậu khác...) diện tích khoảng 2.313 ha, sản lượng ước đạt 26.831 tấn; tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ...

- Rau ăn quả (gồm dưa chuột, cà chua, su su, bầu, bí, cà pháo...) diện tích khoảng 9.166 ha, sản lượng ước đạt 114.575 tấn; tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu,Vân Hồ...

- Rau ăn củ, rễ (su hào, cà rốt, củ cải, hành tỏi, rau cần...) diện tích khoảng 1.814 ha, sản lượng ước đạt 20.135 tấn; tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên...

- Dưa các loại (dưa hấu, dưa lê, dưa vàng, dưa thơm vân lưới...) diện tích khoảng 356 ha, sản lượng ước đạt 4.984 tấn; tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mường La.

- Nấm ăn các loại diện tích khoảng 07 ha, sản lượng ước đạt 133 tấn tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn.

- Rau gia vị hàng năm (rau mùi, rau húng, tía tô, ớt cay, gừng, giềng...); diện tích khoảng 1.955 ha, sản lượng ước đạt 10.788 tấn, được trồng tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Sốp Cộp, Mường La...

(Chi tiết có Phụ lục I kèm theo).

2. Định hướng phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc trên toàn tỉnh ước đạt 7.500 ha, sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn trở lên.

(Chi tiết có Phụ lục II kèm theo).

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

[...]