Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 140/KH-UBND
Ngày ban hành 08/06/2016
Ngày có hiệu lực 08/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/KH-UBND

Hà Giang, ngày 08 tháng 06 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Thực hiện Chỉ thị s13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP);

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Yêu cầu

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nghiên cứu quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đến cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh; đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn việc quán triệt Chỉ thị số 13/CT-TTg, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm.

II. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo ATTP, đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP.

b) Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp làm nhiệm vụ trưởng ban chỉ đạo. Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

c) Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, hội nhập Quốc tế, bảo đảm thương hiệu, uy tín đối với các sản phẩm do mình sản xuất ra tiêu thụ trên thị trường.

2. Nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

a) Triển khai quyết liệt và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi về an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển các kỹ năng truyền thông; nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về an toàn thực phẩm. Kịp thời biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân doanh nghiệp làm tốt an toàn thực phẩm, đồng thời phê phán những hành vi sai trái trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thchính trị - xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại cơ sở.

b) Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP:

- Nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP như: Chi cục quản lý thị trường thuộc Sở Công thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cu quản lý an toàn thực phẩm.

- Tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành ATTP từ tỉnh đến huyện, xã. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ giết mổ và vệ sinh thú y, vệ sinh thủy sản; kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

- Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giám sát các mối nguy an toàn thực phẩm.

- Xây dựng yêu cầu kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra tiêu thụ thị trường.

- Tiếp tục triển khai và nhân rộng trong toàn tỉnh các mô hình quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến:

+ Áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, VietGAHP, các quy định của Việt Nam về thực hành chăn nuôi tốt) và các sổ tay hướng dẫn GAP, GAHP trong rau, quả, chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

+ Xúc tiến các hoạt động chứng nhận, xây dựng các quy định về kiểm tra chứng nhận VietGAP, VietGAHP; đánh giá, chỉ định, giám sát các hoạt động của các tổ chức chứng nhận, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GAHP.

+ Thử nghiệm và nhân rộng các mô hình áp dụng thực hành sản xuất tốt trong sản xuất rau, quả, chè và chăn nuôi gia súc; gia cầm, thủy sản gắn với chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng.

+ Phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO 22000).

[...]