Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2022 về hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Yên Bái đến năm 2030

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 28/06/2022
Ngày có hiệu lực 28/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Ngô Hạnh Phúc
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Yên Bái đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Yên Bái đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng xuất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa; chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

- Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, đồng thời phù với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh, phát triển nhanh và bền vững, theo hướng đưa Yên Bái trở thành trung tâm, đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm gỗ và các sản phẩm chế biến nông lâm sản, sản phẩm chế biến sâu từ khoáng sản. Phát triển xuất khẩu bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của tỉnh; hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, chưa qua chế biến, nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong phát triển xuất khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh “Đổi mới, sáng tạo, phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 22%/năm.

- Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến từ 57% năm 2020 lên 83,6% vào năm 2030; giảm tỷ trọng xuất khẩu khoáng sản.

- Thu ngân sách từ lĩnh vực xuất khẩu năm 2025 đạt từ 1200 tỷ đồng trở lên; đến năm 2030 đạt từ 2500 tỷ đồng trở lên.

- Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Châu Âu lên 15%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG

1. Định hướng chung

Phát triển sản phẩm xuất khẩu đến năm 2030 gồm: Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, hạt nhựa, bao bì...

Nhóm nông lâm sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khu của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Định hướng chung cho các mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng nông, lâm sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng xuất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.

Nhóm khoáng sản dự báo có xu hướng ngày càng giảm trong tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh; cần tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu.

Hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, các sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu. Rà soát một số mặt hàng hiện tại chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch xuất khẩu thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao như: quế, các sản phẩm chế biến từ quế, chè Suối Giàng, viên nén sinh khối... từ đó có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo ra bước đột phá trong phát triển xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khu của tỉnh, nhất là giai đoạn 2026 - 2030.

[...]