Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2022 về xúc tiến xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn sau Covid-19

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2022
Ngày có hiệu lực 14/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Đào Quang Khải
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 14 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN XUẤT KHẨU CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN SAU COVID-19

Thực hiện Công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sau Covid-19, có nội dung: khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản;

Xét Tờ trình số 41/TTr-SCT ngày 13/01/2022 của Sở Công Thương về việc ban hành Kế hoạch xúc tiến xuất khẩu của tỉnh giai đoạn sau Covid-19;

UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hoá của tỉnh giai đoạn sau Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản với những nội dung như sau:

1. Mục đích

Quán triệt thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc khôi phục cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản.

Các Sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm xúc tiến xuất khẩu các ngành hàng giai đoạn sau Covid-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản; bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh.

1. Nhiệm vụ

Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng...; tăng tỷ trọng sản lượng sản phẩm có chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm; phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, an toàn thực phẩm, có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, mã vùng trồng, tem, nhãn; đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật,… phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Phát triển, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu ra các nước trên thế giới, giữ vững ổn định các thị trường truyền thống.

2. Giải pháp

2.1. Rà soát, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản phục vụ xuất khẩu1

Rà soát các quy định của pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên và các lĩnh vực có liên quan khác để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm nông sản của tỉnh có thế mạnh sản xuất và tiềm năng xuất khẩu để xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc,… theo các quy chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị và tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới.

2.2. Theo dõi, cung cấp thông tin, cập nhật và khuyến cáo tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản

Nâng cao năng lực theo dõi, nắm tình hình về nhu cầu của các thị trường xuất khẩu đối tác hiện nay cũng như các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng để kịp thời thông tin, khuyến cáo các địa phương, các doanh nghiệp điều tiết hợp lý hàng hoá xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa;

Thông tin tình hình xuất nhập khẩu và hoạt động của các cửa khẩu/lối mở biên giới tại Lạng Sơn, Lào Cai… bằng nhiều hình thức, giúp thương nhân, doanh nghiệp có định hướng để tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết, trong đó chú trọng: hướng dẫn cách xác định đạt tiêu chí quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo FTAs, nâng cao nhận thức về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), tiêu chuẩn về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) tại các nước nhập khẩu để hạn chế rủi ro trong xuất khẩu hàng hoá.

Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương kịp thời đưa tin, tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm nôngsản xuất khẩu của tỉnh.

2.3. Công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại

2.3.1. Tăng cường xúc tiến thương mại trong nước để hỗ trợ xuất khẩu

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thông qua các chương trình hợp tác, các hội nghị, hội chợ kết nối giao thương; liên kết, ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh; tăng cường quảng bá các doanh nghiệp, các sản phẩm và các loại hình dịch vụ của tỉnh; tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao thương, học hỏi kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đầu tư, sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia một số hội chợ có uy tín mang tầm quốc gia, quốc tế2.

2.3.2. Hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu hàng hóa thị trường quốc tế

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, ưu tiên nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, khảo sát và tìm hiểu mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường truyền thống như các nước ASEAN, Trung Quốc....; tăng cường mở rộng, kết nối và khảo sát các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU,... tập trung cho nhóm các sản phẩm nông sản chế biến.

[...]