Kế hoạch hành động 175/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030

Số hiệu 175/KH-UBND
Ngày ban hành 17/01/2023
Ngày có hiệu lực 17/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Đoàn Anh Dũng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Công văn số 7744/BCT-XNK ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định mục tiêu và định hướng phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; chủ động hội nhập kinh tế thế giới.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của tỉnh nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển.

- Tập trung khuyến khích, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

2. Yêu cầu

- Quá trình triển khai Kế hoạch hành động phải đảm bảo thống nhất trong công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phù hợp với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

- Phát triển xuất khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch và thị trường, trên cơ sở vận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng và thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế khó khăn, thách thức.

- Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đảm bảo hiệu quả của việc triển khai thực hiện kế hoạch.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

Việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV (Nhiệm kỳ 2020-2025); đồng thời phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh thực tế trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung thực hiện các mục tiêu:

- Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị 930 triệu USD; năm 2030 đạt giá trị 1.240 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7,81%/năm.

- Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực Châu Âu lên 12,5%/tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 15,5% vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

III. NỘI DUNG

1. Định hướng chung

- Phát triển sản phẩm xuất khẩu đến năm 2030 gồm:

+ Nhóm thủy hải sản là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế.

+ Nhóm nông sản: Định hướng chung cho các mặt hàng này là chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.

+ Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, bao bì...

+ Tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu; hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, một số sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao của tỉnh tham gia xuất khẩu.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm mới để xuất khẩu.

[...]