Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2023 về kiểm tra, giám sát, đánh giá về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 01/03/2023
Ngày có hiệu lực 01/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TCTXDNTM ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về việc ban hành Kế hoạch giám sát, đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý thực hiện Chương trình; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các địa phương, qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

- Thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và việc tổ chức thực hiện Chương trình tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia, thực hiện Chương trình.

- Xác định mức độ đạt được theo tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của các địa phương theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định.

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của Chương trình; bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý những tồn tại, hạn chế và các vấn đề phát hiện sau kiểm tra, giám sát.

- Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra, giám sát khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác kiểm tra, giám sát

1.1. Nội dung kiểm tra, giám sát

- Việc xây dựng các văn bản quản lý thực hiện Chương trình: Xây dựng hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm, hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai Chương trình (nếu có); truyền thông, tăng cường năng lực quản lý Chương trình.

- Tình hình thực hiện Chương trình: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình.

- Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: Huy động, sử dụng vốn thực hiện Chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản nếu có).

- Năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của các đơn vị, địa phương.

- Việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá Chương trình của các đơn vị, địa phương.

- Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.

1.2. Trình tự kiểm tra, giám sát Chương trình

a) Lập và trình duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát: Cơ quan có thẩm quyền quyết định nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát và thông báo đến đơn vị thực hiện.

b) Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát (nếu có): Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát và phân công trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra, giám sát.

c) Thông báo kế hoạch kiểm tra, giám sát và yêu cầu chuẩn bị tài liệu phục vụ kiểm tra: Thời gian chuẩn bị tài liệu của đối tượng kiểm tra, giám sát tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuẩn bị tài liệu.

[...]