Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 592/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 592/KH-UBND
Ngày ban hành 17/03/2023
Ngày có hiệu lực 17/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Trương Hải Long
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 592/KH-UBND

Gia Lai, ngày 17 tháng 03 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, HƯỚNG TỚI NÔNG THÔN MỚI THÔNG MINH GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-BCĐTW-VPĐP ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về Ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/01/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo Kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày 03/12/2020 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Khởi động Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Đề ra định hướng, phương án, lộ trình triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi số thống nhất, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng mang tính lâu dài, chủ yếu triển khai với 03 trụ cột chính:

- Phát triển chính quyền số ở nông thôn.

- Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn.

- Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Cụ thể:

- Bám sát chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh để thực hiện, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chuyển đổi số.

- Triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung, giải pháp của Chương trình, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương. Thông qua triển khai Chương trình, từng bước hình thành nông thôn thông minh, nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững.

- Xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, chất lượng; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình. Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và thống nhất giữa các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

[...]