Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 125/KH-UBND
Ngày ban hành 14/04/2021
Ngày có hiệu lực 14/04/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG
THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 125/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 14 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA ĐỜN CA TÀI TỬ, HÒ ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 – 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-UBND-HC ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Chương trình công tác năm 2021;

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp, nhất là đối với thế hệ trẻ; từng bước xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ di sản.

- Thông qua công tác truyền dạy, thực hành và tổ chức các hoạt động đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp đến với đông đảo công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân về hai loại hình nghệ thuật này; quảng bá hình ảnh địa phương, từng bước xây dựng Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về “Xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động triển khai đúng yêu cầu thực tiễn, có tính trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả.

- Kết hợp lồng ghép các hoạt động của Kế hoạch với các nhiệm vụ thường xuyên của mỗi địa phương, đơn vị.

- Thu hút, huy động tối đa mọi nguồn lực, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động (hoặc thành lập mới) Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp ở các địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, thực hiện kiểm kê, khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp tại địa phương, đơn vị.

2. Tổ chức định kỳ các cuộc hội thi, liên hoan Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức biểu diễn các tiết mục Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp lồng ghép vào các chương trình nghệ thuật, văn nghệ, tuyên truyền lưu động, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và địa phương.

3. Tăng cường đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp tham gia các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu nghệ thuật cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế để giới thiệu, phổ biến, quảng bá hai loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này đến với công chúng và du khách trong và ngoài nước.

4. Phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 Bài bản Tổ của Nhạc tài tử Nam bộ, bài ca Vọng cổ và Hò Đồng Tháp. Tiến hành tư liệu hóa và số hóa các bài bản Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp.

5. Mở các lớp tập huấn, truyền dạy và thực hành Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng, địa phương, trong đó chú trọng đội ngũ trẻ kế thừa. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng phương pháp truyền dạy hai loại hình nghệ thuật này cho đối tượng là giảng viên, giáo viên âm nhạc, từng bước đưa vào chương trình giáo dục trong hệ thống trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng và đại học trong tỉnh.

6. Nghiên cứu mô hình hoạt động, tạo không gian diễn xướng phù hợp để tổ chức thực hành, trình diễn Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp tại các khu di tích lịch sử văn hóa, các khu, điểm du lịch trong tỉnh, từng bước đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương.

7. Tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông”. Triển khai chương trình giáo dục về Di sản văn hóa phi vật thể, lồng ghép trong chương trình chính thức và ngoại khóa trong hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh.

8. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các huyện, thành phố; Trang tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh Truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng.

9. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ và các địa phương tổ chức hoạt động, thực hành Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp hiệu quả.

10. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động phù hợp cho các câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang trong tỉnh.

III. MỤC TIÊU VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

* Giai đoạn 2021 – 2023:

1. Củng cố, nâng cao chất lượng, bổ sung Hò Đồng Tháp vào hoạt động của các CLB Đờn ca tài tử hiện có. Phấn đấu từ 40% đến 50% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp so với CLB Đờn ca tài tử hiện có. Xây dựng thí điểm 02 CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện tại 02 địa phương có phong trào mạnh là huyện Lai Vung và thành phố Sa Đéc.

2. Tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, hát Dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh định kỳ mỗi năm 1 lần; phấn đấu cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần; tại các địa phương có phong trào Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp phát triển mạnh như huyện Lai Vung, thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh… phấn đấu tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần.

[...]