Kế hoạch 1237/KH-BGDĐT năm 2019 thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1237/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 28/11/2019
Ngày có hiệu lực 28/11/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phùng Xuân Nhạ
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1237/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỦA XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 35), Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung sau:

I. Mục tiêu

1. Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 35, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, giáo viên ngành giáo dục và toàn thể xã hội đối với công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo.

2. Hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết 35, cụ thể:

- Cải thiện đáng kể về lượng và chất trong công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, bảo đảm các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới hoạt động giáo dục;

- Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức triển khai các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho sự thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm công bằng, bình đẳng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập so với các cơ sở giáo dục công lập;

- Đổi mới hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập để thu hút và bổ sung các nguồn lực hợp pháp phục vụ nhu cầu hoạt động và phát triển của đơn vị theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, thiết thực, hiệu quả;

- Tăng cường phối hợp và trách nhiệm giải trình giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc lập kế hoạch, phân bố, sử dụng và quản lý ngân sách nhà nước dành cho giáo dục cũng như việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Về hoàn thiện thể chế:

- Nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định và cơ chế, chính sách áp dụng đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận;

- Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng của nhà nước đối với các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên;

- Xây dựng, ban hành chính sách áp dụng cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

2. Về cải thiện môi trường đầu tư:

- Rà soát các điều kiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo hướng cắt giảm những điều kiện không thực sự cần thiết hoặc không còn phù hợp, tăng cường độ linh hoạt trong việc áp dụng các điều kiện đầu tư để thích ứng với các phương thức và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học mới (dạy trực tuyến, đào tạo từ xa, e-learning,...);

- Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý quy trình thủ tục cho nhà đầu tư, tin học hóa công tác thống kê, dự báo, quản lý và báo cáo trong giáo dục;

3. Về đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập:

- Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho các cơ sở giáo dục trong việc huy động các nguồn lực và đề xuất, phê duyệt các dự án đầu tư;

- Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục.

4. Về tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục:

- Tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành các quy định về bảo đảm và kiểm định ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục;

- Tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề xã hội hóa đối với các cơ sở giáo dục; phát hiện các bất cập, khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, xử lý.

5. Về thông tin, truyền thông công tác xã hội hóa giáo dục:

- Ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý giáo dục các địa phương về chủ trương, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, các quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ ngoài ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục;

- Kiện toàn tổ chức, tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho bộ phận truyền thông tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí để đẩy mạnh truyền thông về xã hội hóa giáo dục;

- Chú trọng công tác thông tin, truyền thông về các chương trình, dự án sử dụng các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; bổ sung các cấu phần hoặc hoạt động về thông tin - truyền thông trong kế hoạch hoạt động của các ban quản lý chương trình, dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;

[...]