Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 35/NQ-CP
Ngày ban hành 04/06/2019
Ngày có hiệu lực 04/06/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/NQ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CỦA XÃ HỘI ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề (Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008, Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2012);

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ ý kiến của các Thành viên Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân (gọi chung là các nguồn lực của xã hội) cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước; đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện trên 500 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%)

Sự phát triển của các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, hạn chế:

- Tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Hiện mới có trên 3.200 dự án đầu tư theo định hướng xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với số vốn đăng ký trên 53.000 tỷ đồng. Các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức Việt kiều.

- Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập tiến triển chậm. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình (nhất là về tài chính) của các cơ sở công lập; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng... nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ mới bước đầu triển khai ở lĩnh vực giáo dục đại học; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư... còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại nói trên trước hết thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội. Còn phổ biến tâm lý coi trọng, tin tưởng trường công hơn trường tư; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cấp vẫn còn phổ biến; việc triển khai, thực hiện chủ trương xã hội hóa của các cấp chính quyền, các ngành chưa quyết liệt, thường xuyên và bài bản, trong đó vấn đề quy hoạch phát triển chung của hệ thống giáo dục (bao gồm cả công lập và ngoài công lập) chưa bảo đảm nguyên tắc cân đối cung cầu trong dài hạn; công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Các văn bản thể hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành. Chính phủ thống nhất việc phải có ngay giải pháp khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, đặc biệt ở khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo.

I. QUAN ĐIỂM

1. Các nguồn lực xã hội là rất quan trọng, cần được thu hút để chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi phí toàn xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

2. Việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư; khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp.

3. Xã hội hóa giáo dục và đào tạo cần được coi là một chỉ tiêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể trong từng thời kỳ, cơ quan quản lý giáo dục của địa phương tham mưu xác định các chỉ tiêu xã hội hóa cần đạt được cho địa phương mình, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng và quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025. Cụ thể:

- Đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ