Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 117/KH-UBND về triển khai cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 117/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2020
Ngày có hiệu lực 28/04/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Thành
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phù hợp với đặc thù của thành phố, gắn với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đơn vị và xác định rõ thời gian thực hiện.

- Tập trung sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, tổ chức phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ngành và địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

b) Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ cần có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, chú trọng vào các giải pháp cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường.

c) Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực.

d) Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các Sở, ngành, địa phương.

đ) Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ coi công nghệ thông tin là đòn bẩy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ.

2. Mục tiêu

a). Mục tiêu tổng quát

Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch.

Xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics và vận tải, tài chính - ngân hàng.

Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác.

b). Mục tiêu cụ thể

b1) Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm khu vực dịch vụ đạt khoảng 9,89%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 42,28%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm khu vực dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,4%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43,4%.

Năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30%. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 35%.

b2) Lĩnh vực tài chính - ngân hàng:

- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài mở chi nhánh, hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ưu tiên phát triển ở khu vực nông thôn và hải đảo.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Công tác huy động vốn và tín dụng tăng trưởng ổn định, tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng.

[...]