Kế hoạch 52/KH-UBND về thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 15/06/2020
Ngày có hiệu lực 15/06/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Ngô Gia Tự
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Nam Định, ngày 15 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Nam Định theo hướng văn minh, hiện đại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để nâng cao giá trị gia tăng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Tập trung thu hút các nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh làm nền tảng tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, chú trọng nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ như công nghệ thông tin - truyền thông, giáo dục, y tế, logistics và vận tải, tài chính - ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vận hành và phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh, khu vực và cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng bình quân giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 8,3%; dự kiến năm 2020 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP (giá hiện hành) khoảng 35,6%. Giai đoạn 2021-2025, giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân khoảng 9%/năm; đến năm 2025 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP (giá hiện hành) chiếm khoảng 38%.

- Tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đến năm 2020 đạt khoảng 30%, đến năm 2025 đạt khoảng 40%.

- Tài chính - ngân hàng: Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội; tối ưu hóa mạng lưới ATM, POS góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dưới 3%.

- Công nghệ thông tin và truyền thông: Ưu tiên, tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông để chủ động, sẵn sàng, tiên phong tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 theo tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin có chất lượng, sức cạnh tranh, sáng tạo, trong đó: phát triển dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử với mục tiêu tăng trưởng bình quân 30%/năm; phát triển dịch vụ viễn thông để làm hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng trên địa bàn tỉnh.

- Phân phối: Đến năm 2020, tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi,...) đạt khoảng 30%; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,2 tỷ USD; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Đến năm 2025, tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 35%; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 4,0 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 đạt 12%/năm.

- Giáo dục đào tạo và lao động: Đến năm 2020, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 32.000 người, trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 25 - 30%, khoảng 10 - 15% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm, khoảng 80 - 85% có việc làm sau đào tạo. Đến năm 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 35.000 người, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện thể chế, đổi mới quản lý hệ thống quản lý nhà trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

- Logistics và vận tải: Đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển đạt 23,8 triệu hành khách và 24 triệu tấn hàng hóa. Đến năm 2025, phấn đấu đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành của vận tải hàng hóa là 8%/năm, vận tải hành khách là 5%/năm; tổng khối lượng vận chuyển đạt 29 triệu hành khách và 32 triệu tấn hàng hóa.

- Khoa học và công nghệ: Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 35- 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 15-20%/năm; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học công nghệ tăng trung bình 20%/năm.

- Du lịch: Đến năm 2020 thu hút khoảng 2,75 triệu lượt khách du lịch (trong đó 6.450 lượt khách quốc tế và 2.743.550 lượt khách nội địa), tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 860 tỷ đồng. Đến năm 2025 thu hút khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (trong đó 6.570 lượt khách quốc tế và 3.193.430 lượt khách nội địa), tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 1.234 tỷ đồng.

- Y tế: Đến năm 2020: đạt 30 giường bệnh và 9 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91% dân số. Đến năm 2025: đạt 31 giường bệnh và 10 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. Tỷ lệ chi tiêu tiền túi (OOP - Out of Pocket) của hộ gia đình giảm còn 35% tổng chi cho y tế.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

1. Tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ

a) Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 808/QĐ- TTg ngày 29/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016, số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm 2016-2020 và các Kế hoạch/Chương trình hành động hàng năm của tỉnh để triển khai các Nghị quyết nêu trên.

b) Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh, xuất nhập khẩu các ngành dịch vụ thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện theo hướng thực chất, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của nhà nước.

c) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các quỹ phát triển công nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

d) Rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định về điều kiện kinh doanh trong các ngành dịch vụ để khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến chất lượng và cách thức cung cấp các dịch vụ truyền thống nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

đ) Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

e) Đầu tư xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Nam Định sau khi vận hành thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường sự minh bạch, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng

[...]