Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 45-NQ/TW
Ngày ban hành 24/01/2019
Ngày có hiệu lực 24/01/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 45-NQ/TW

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng chung của cả nước; năm 2017 quy mô kinh tế cao gấp 4,27 lần so với năm 2003; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 3.694 đô la Mỹ (USD), gấp 1,54 lần bình quân chung của cả nước, tăng 5,43 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại.

Hải Phòng đã khẳng định được là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định là một trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Việc triển khai Nghị quyết trong những năm đầu còn lúng túng, cơ chế, chính sách cho phát triển Hải Phòng chậm được ban hành và còn nhiều bất cập. Mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước năm 2020 không đạt được. Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, kinh tế tập thể phát triển chậm, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn ít dự án có công nghệ hiện đại. Liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt; quy hoạch và quản lý đô thị còn bất cập; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối cảng biển chậm được nâng cấp. Phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ chưa đạt được mục tiêu trở thành trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế; một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu, có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí chiến đấu, quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết; công tác quản lý, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu; phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt kết quả như mong muốn.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc phổ biến, học tập, quán triệt Nghị quyết có lúc, có nơi còn bị buông lỏng, chưa thực sự tạo được sự thống nhất, quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Năng lực phân tích, dự báo, công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm còn nhiều yếu kém, thiếu thường xuyên, kịp thời; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động các nguồn lực cho thực hiện Nghị quyết. Công tác cải cách hành chính của thành phố còn chậm, kết quả chưa rõ nét. Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; có lúc, có nơi có biểu hiện nóng vội, duy ý chí hoặc thụ động, trông chờ, ỷ lại. Liên kết vùng, đặc biệt là trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh chưa được đẩy mạnh, hiệu quả chưa cao, còn biểu hiện cục bộ, địa phương. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, gây bức xúc, bất ổn trong nhân dân.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

- Chú ý giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo, để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển.

- Các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng phải gắn liền với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, sinh thái; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân; chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân Hải Phòng thực sự là lực lượng tiên phong trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hóa.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Hải Phòng.

- Tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, truyền thống cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hải Phòng.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đến năm 2025: Thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc Sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Một số chỉ tiêu cụ thể: Tỉ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4% tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 23,7%. Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%. GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 đến 190.000 tỉ đồng. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44% - 45%. Cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).

- Đến năm 2030: Trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh.

Một số chỉ tiêu cụ thể: Tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng; đóng góp của TFP vào GRDP từ 48% - 50%.

2.3. Tầm nhìn đến năm 2045: Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó các nguồn lực xã hội (cả trong nước và ngoài nước) là động lực quan trọng, các nguồn lực Nhà nước giữ vai trò định hướng dẫn dắt

- Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng. Không ngừng cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh có sức hấp dẫn, cạnh tranh cao. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, nhất là theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); cải cách hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực cấp phép đầu tư, tiếp cận đất đai và các nguồn lực, dịch vụ tài chính - ngân hàng, thủ tục hải quan, cải cách thuế quan, giảm tối đa chi phí logistics, minh bạch hóa công tác thanh tra, kiểm tra.

- Chủ động thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phân tích, dự báo diễn biến của chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng, tận dụng triệt để các cơ hội mang lại, hạn chế tối đa khó khăn, thách thức.

[...]