Kế hoạch 116/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 34/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Số hiệu 116/KH-UBND
Ngày ban hành 16/06/2021
Ngày có hiệu lực 16/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 16 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 34/NQ-CP NGÀY 25/3/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 02/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2245/TTr-SNNPTNT ngày 31/5/2021. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị, các địa phương từ Tỉnh đến cơ sở nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao của nhân dân; nắm vững quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra;

- Đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; nâng cao dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học, cải thiện chất lượng bữa ăn của nhân dân trong tỉnh.

2. Yêu cầu

Tạo sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 theo Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/03/2021 của Chính phủ, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị và địa phương;

Các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

Bố trí nguồn lực, kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng trong Kế hoạch; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.

II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm trên cơ sở đầu tư thâm canh cao vào nông nghiệp; khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh hiện có của Tỉnh so với các tỉnh trong khu vực;

- Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến sâu, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông sản. Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên đánh giá nhu cầu lương thực, thực phẩm cả trong nước và trên thế giới để có định hướng, chiến lược phù hợp;

- Nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất nông nghiệp, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Bảo đảm an ninh lương thực phải gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, toàn diện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Bảo đảm nguồn cung lương thực

- Sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa và giữ ổn định diện tích đất trồng lúa hiện có, duy trì diện tích gieo trồng lúa giai đoạn 2025 - 2030 từ 35.000 - 37.000 ha/năm, năng suất trung bình 52 tạ/ha, sản lượng khoảng 195.000 tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực của Tỉnh. Phát triển rau các loại với diện tích 11.000 ha; cây ăn quả khoảng 9.000 ha, trong đó cây nhãn 640 ha, cây vải 1.600 ha, cây na 1.200 ha, cây ổi 650 ha; Sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong tỉnh đảm bảo cung ứng 70 - 80% nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 1.000 nghìn tấn, sữa tươi 18.000 lít, trứng 1,4 tỷ quả, mật ong 2.500 tấn; sản lượng thủy sản đạt khoảng 228.000 tấn, trong đó: Sản lượng nuôi trồng ước đạt 160.000 tấn; sản lượng khai thác ước đạt 68.000 tấn. Diện tích thủy sản nuôi trồng nội địa khoảng trên 18.000 ha;

- Tập trung đầu tư chuyển đổi khoảng 1.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.

2.2. Bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân

Thu nhập của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.

2.3. Bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; Giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường. Mức tiêu thụ bình quân/người/năm: Gạo từ 100 - 110 kg, thịt 45 - 50 kg, cá 30 - 35 kg, quả 50 - 60 kg, rau các loại 120 - 150 kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 10%.

[...]