Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2021 thực hiện Kế hoạch 26-KH/TU về thực hiện Kết luận 81-KL/TW đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 03/06/2021
Ngày có hiệu lực 03/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 26-KH/TU NGÀY 14/01/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 81-KL/TW NGÀY 29/7/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 02/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 14/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 14/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 14/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang theo đúng Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 14/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

- An ninh lương thực phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn xã hội; không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

- Giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

- Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực sản xuất, dự trữ, lưu thông lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân của tỉnh trong mọi tình huống. Không ngừng cải thiện khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của mọi người dân, bảo đảm thực phẩm đa dạng, kịp thời, đủ dinh dưỡng. Nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực của người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại lương thực, thực phẩm như: Các loại ngũ cốc, thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

- Quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp; giữ ổn định 24,5 nghìn ha đất trồng lúa, đảm bảo sản lượng lương thực đạt trên 33 vạn tấn. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 138.200 tấn, sữa tươi đạt trên 38.000 tấn, trứng gia cầm trên 165 triệu quả. Sản lượng thủy sản đạt trên 21.800 tấn. Cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như: Thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

- Sử dụng hiệu quả quỹ đất trồng lúa với kế hoạch chặt chẽ. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn gấp hơn 2 lần so với năm 2020; vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung nông dân có lãi trên 35% so với giá thành sản xuất. Đảm bảo mọi người dân đều có khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

- Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học, giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 16%; tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp về công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, dinh dưỡng trong cộng đồng.

- Ủy ban nhân dân các cấp thường xuyên chỉ đạo sâu sát, đến cơ sở, tổ chức các hoạt động tuyên truyền với các hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh lương thực; quán triệt nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới.

[...]