Kế hoạch 212/KH-UBND năm 2023 triển khai Kế hoạch 227-KH/TU thực hiện Kết luận 81-KL/TW về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 212/KH-UBND
Ngày ban hành 01/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 212/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 01 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 227-KH/TU NGÀY 27/10/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 81-KL/TW NGÀY 29/7/2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5250/TTr-SNNPTNT ngày 28/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 27/10/2023 để cán bộ, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề bảo đảm an ninh lương thực; xác định bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.

b) Đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; nâng cao dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học, cải thiện chất lượng bữa ăn của nhân dân.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 27/10/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đảm bảo nghiêm túc, thường xuyên. Xác định rõ nhiệm vụ của của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

b) Vấn đề an ninh lương thực quốc gia phải nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân là quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

c) Cùng với nguồn lực nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo thu nhập cho người sản xuất lương thực và tạo điều kiện cho các địa phương thuần nông phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; nâng cao chất lượng bữa ăn; đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân trên 30% so với giá thành sản xuất.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, diện tích đất canh tác lúa ổn định 36.375 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa là 35.500 ha và đất lúa 01 vụ là 875 ha. Vùng trồng lúa được bố trí ở 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (không tính huyện đảo Lý Sơn); sản lượng lúa hàng năm đảm bảo ít nhất 500.000 tấn; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

b) Sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.

c) Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn tự cân đối, khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; đến năm 2030, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi trên địa bàn tỉnh còn 17%, riêng khu vực miền núi là 25%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh dưới 10%, riêng khu vực miền núi là 15%; tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh dưới 5%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo vệ an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho các tầng lớp nhân dân; xác định an ninh lương thực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của mặt trận phối hợp triển khai thực hiện; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị

a) Tiếp tục thực hiện các quy hoạch còn hiệu lực thi hành, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực (lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản,...) tại các địa phương có lợi thế. Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Tổ chức lại ngành hàng lúa gạo trong chuỗi giá trị; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Thương hiệu lúa gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo.

- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

[...]