Kế hoạch 1736/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 34/NQ-CP và Kế hoạch 07-KH/TU về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 1736/KH-UBND
Ngày ban hành 17/06/2021
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Hà Trọng Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1736/KH-UBND

Lai Châu, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 34/NQ-CP NGÀY 25/3/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 07-KH/TU NGÀY 06/01/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch hành động số 07-KH/TU ngày 06/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch hành động số 07-KH/TU ngày 06/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; gắn nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Đảm bảo đáp ứng đầu đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; nâng cao dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học, cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân.

- Xác định công tác đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo an linh lương thực.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu chung

- Xác định và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ trong việc đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh Lai Châu đến năm 2030. Thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp, du lịch, dịch vụ phát triển, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Phát huy hiệu quả lợi thế đa dạng các vùng sinh thái của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và giám sát an toàn sản phẩm; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản gắn với hợp tác liên kết sản xuất nhằm tăng giá trị, chủ động thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa nước trên 20.300 ha (đất 02 vụ trên 6.300 ha; đất 01 vụ trên 14.000 ha); sản lượng lương thực có hạt hàng năm đạt trên 220 nghìn tấn, trong đó sản xuất ít nhất 140 nghìn tấn thóc/năm làm nòng cốt đảm bảo an ninh lượng thực; cung cấp đầy đủ, đa dạng và an toàn các loại thực phẩm như: Thịt, trứng, thủy sản, rau quả… với chất lượng ngày càng cao; phát triển đàn trâu, bò đạt 117 nghìn con, đàn lợn 241 nghìn con, đàn gia cầm 1.850 nghìn con, sản lượng thủy sản đạt trên 15 nghìn tấn/năm.

- Sử dụng hiệu quả đất lúa, nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, đảm bảo thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020 (đạt 36 triệu đồng/người/năm).

- Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; cải thiện và hướng tới cân đối dinh dưỡng. Cải thiện cơ cấu và chất lượng tiêu dùng lương thực, bình quân/người/năm: Gạo 100 kg, thịt các loại 45 kg, cá các loại 30kg, quả các loại 50kg và rau các loại 120 kg, tăng mức tiêu dùng trứng, sữa; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 25% và thể nhẹ cân dưới 16,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ, Kế hoạch hành động số 07-KH/TU, ngày 06/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo đến toàn thể cán bộ, công chức viên chức lao động tại đơn vị và người dân. Xác định đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển của đất nước, của tỉnh.

2. Tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị

- Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản gắn sản xuất với hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

+ Phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng trên 20.000 ha cây mắc ca; giữ ổn định 10.000 ha chè.

+ Phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc sản. Đến năm 2030 giữ ổn định 3.500 ha lúa hàng hóa, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa đặc sản; có 9.700 ha cây ăn quả tập trung (1.500 ha chanh leo, 6.200 ha chuối, 2.000 ha cây ăn quả nhiệt đới), 54 cơ sở chăn nuôi đại gia súc tập trung; 47 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung; 20 cơ sở nuôi ong tập trung; thể tích nuôi cá, tôm lòng hồ tập trung tăng thêm khoảng 72.000 m3.

(Chi tiết tại Phụ lục số 1 kèm theo)

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (VietGAP, hữu cơ và tương đương…); đẩy mạnh liên kết sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc tập trung vào các sản phẩm chủ lực (chè, mắc ca…), các sản phẩm đặc sản (gạo đặc sản, ong…), nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

- Quy hoạch, hỗ trợ, thu hút đầu tư xây dựng 03 khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung: 01 cụm tại huyện Tân Uyên, 01 cụm tại huyện Phong Thổ, 01 cụm tại huyện Than Uyên. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Thu hút đầu tư xây dựng khoảng 14 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản hoa quả tươi, bao gồm: Chế biến gạo; chế biến mắc ca; chế biến cao su; chế biến chè; bảo quản quả tươi; chế biến quế và nhà máy sản xuất phân bón.

3. Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng

[...]