Kế hoạch 115/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh năm 2024

Số hiệu 115/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2024
Ngày có hiệu lực 29/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 115/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 29 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH HÀ TĨNH NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 424/QĐ- UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh năm 2024 như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2023

Năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, kết quả chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có chuyển biết khá tích cực trên cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số: 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị, địa phương; công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, Đề án 06 luôn được chú trọng với tần suất phù hợp; 100% các địa phương thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; 100% đơn vị, địa phương phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin; hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được nâng cấp đồng bộ với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, cơ bản liên thông 4 cấp; 100% doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; 100% trường học, cơ sở y tế triển khai thu học phí và viện phí không dùng tiền mặt; việc công khai minh bạch thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện được chú trọng thực hiện; cơ sở dữ liệu các ngành từng bước được hình thành. Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023) kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Hà Tĩnh đã tăng 22 bậc so với năm 2021, xếp thứ 37/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ.

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về ban hành thể chế, kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm

Tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 119/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 về Quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025; Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 26/7/2023 về sửa đổi, bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó giảm 50% phí, lệ phí khi người dân, doanh nghiệp tham gia Dịch vụ công toàn trình trên môi trường mạng.

UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch: số 525/KH-UBND ngày 29/12/2022 về chuyển đổi số tỉnh năm 2023; số 48/KH-UBND ngày 01/3/2023 về việc triển khai, thực hiện Đề án 06 năm 2023; số 194/KH-UBND ngày 30/5/2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; số 375/KH-UBND ngày 06/9/2023 về cung cấp dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025; số 414/KH-UBND ngày 22/9/2023 về triển khai các hoạt động ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023; số 555/KH-UBND ngày 06/12/2023 về triển khai xây dựng huyện chuyển đổi số tại huyện Kỳ Anh và Can Lộc giai đoạn 2023-2025; số 568/KH-UBND ngày 13/12/2023 về phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Về nâng cao nhận thức.

Tổ chức kết nối, làm việc với các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, như: Tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số - Thực trạng và giải pháp”; Tập huấn Chi cho ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo Nghị định số 73/NĐ-CP; Tập huấn phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho các Tổ Chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa với Câu lạc Bộ Chữ ký số Việt Nam, các Doanh nghiệp cung cấp chữ ký số công cộng. Đồng thời, chỉ đạo phát động Chiến dịch triển khai Chữ ký số công cộng cho người dân; tổ chức phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số và Hội chợ Công nghệ số trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng; phê duyệt cho các cơ quan, đơn vị tổ chức 49 lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số với tổng số 2.900 học viên tham gia.

Các cơ quan truyền thông của tỉnh như: Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Chuyển đổi số tỉnh, Cổng/Trang thông tin điện tử các địa phương; hệ thống truyền thanh cơ sở: thường xuyên có các bản tin, phóng sự, chuyên đề về chuyển đổi số, cải cách hành chính. Tuyên truyền, định hướng thông tin kịp thời về các văn bản, nghị quyết, các chính sách liên quan đến chuyển đổi số, cải cách hành chính và những vấn đề nổi cộm trong chuyển đổi số; giới thiệu các mô hình mới, những nhân tố mới trong việc thực hiện chuyển đổi số như việc áp dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT ở cấp xã; bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai; biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong công tác chuyển đổi số.

3. Kết quả thực hiện kế hoạch của Ủy ban Quốc gia và UBND tỉnh về chuyển đổi số năm 2023

3.1. Về triển khai Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ- UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Kế hoạch hành động trọng tâm Năm dữ liệu số quốc gia:

Việc triển khai các Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, kết quả cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Về xây dựng huyện chuyển đổi số theo Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 555/KH-UBND ngày 06/12/2023 về triển khai xây dựng huyện chuyển đổi số tại huyện Kỳ Anh và huyện Can Lộc giai đoạn 2023-2025. Tổ chức triển khai một số hoạt động thực hiện Kế hoạch mô hình huyện chuyển đổi số, như: tổ chức diễn tập thực chiến về an toàn thông tin mạng; đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; ứng dụng hệ thống truyền thanh thông minh; ứng dụng các thiết bị điều khiển thông minh tại hội trường xã, thôn; ứng dụng nhóm zalo để điều hành, phản ánh kiến nghị giữa chính quyền với người dân và ngược lại; lắp đặt các thiết bị camera giám sát, camera an ninh trên các trục đường chính của các thôn; kết nối hệ thống camera giám sát từ cánh đồng lúa hữu cơ đến Trung tâm hành chính xã và hội trường thôn phục vụ việc theo dõi, giám sát; triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng Công nghệ thông tin và Viễn thông tại các xã; bao phủ QrCode đến các hộ kinh doanh; xây dựng mô hình du lịch ảo tại Làng Trường Lưu, huyện Can Lộc; đẩy mạnh triển khai Ngày hội chuyển đổi số cộng đồng (hướng dẫn người dân: phổ cập chữ ký số công cộng, ứng dụng thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu; khởi tạo tài khoản, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn an toàn thông tin, tránh lừa đảo trên không gian mạng...).

3.2. Về triển khai Kế hoạch số 525/KH-UBND ngày 29/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Phát triển cơ sở hạ tầng số và dữ liệu số

Đến nay, đã phát triển trên 21.000 km cáp quang nội tỉnh, 3250 trạm BTS phủ sóng 99% khu vực dân cư, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của chính quyền, doanh nghiệp, người dân; hoàn thành và đưa vào vận hành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Thực hiện tích hợp, kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Bảo hiểm xã hội, Lý lịch tư pháp, đang tổ chức kết nối hệ thống đăng ký và giải quyết chính sách trợ giúp xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; hoàn thành CSDL đất đai tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã; CSDL quốc gia về dân cư tại Hà Tĩnh tiếp tục được triển khai hiệu quả, đảm bảo dữ liệu sạch, đúng, đủ, kết nối liên thông với 25 dịch vụ công thiết yếu theo quy định; Trung tâm dữ liệu tỉnh đảm bảo an toàn thông tin cơ bản 13/13 tiêu chí theo Văn bản số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

b) Kinh tế số, xã hội số

Kinh tế số ngày càng được quan tâm, đặc biệt kinh tế ngành, lĩnh vực; ứng dụng thương mại điện tử; dịch vụ quảng cáo trực tuyến; các công nghệ số được áp dụng nhiều trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để gia tăng tỷ trọng kinh tế ngành, lĩnh vực. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, Global G.A.P, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; kết quả triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế: 100% cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở y tế đã triển khai thu học phí/viện phí bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Phối hợp FPT xây dựng và triển khai thử nghiệm App công dân số Hà Tĩnh giai đoạn 01 (tích hợp các tiện ích, nền tảng số của tỉnh online vào app phục vụ người dân), App hiện có thể cài đặt trên các hệ điều hành smartphone (ios, android) để trải nghiệm; phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân. Tính đến ngày 25/12/2023, tổng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt 79.466 tài khoản (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 55.727 tài khoản) đạt tỷ lệ 8.2%.

c) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng

100% hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh (trong đó, có hệ thống dịch vụ công của tỉnh) được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo quy định. Hiện đang triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt; triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại Sở Thông thông tin và Truyền thông (Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông) và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (thực hiện tại 6000 máy tính trạm và 20 máy chủ).

d) Xây dựng chính quyền số, giám sát điều hành thông minh

100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức điều hành, tác nghiệp trực tuyến. Văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, chữ ký số được ứng dụng thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành (quản lý tài chính, tài sản công; quản lý cán bộ, công chức, quản lý tài nguyên, quản lý bản đồ địa chính, quản lý giáo dục, quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý đối tượng, chính sách người có công; hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được hợp nhất và được nâng cấp đồng bộ với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, cơ bản bảo đảm liên thông 4 cấp; 100% các đơn vị từ tỉnh đến xã duy trì tốt hoạt động Cổng/trang TTĐT theo quy định, kịp thời thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp; chuyên mục Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả.

Hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh (IOC) triển khai thí điểm, gồm 7 phân hệ cơ sở dữ liệu: Phân hệ quản lý về chỉ tiêu kinh tế - xã hội; phân hệ quản lý dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử; phân hệ quản lý văn bản và điều hành trực tuyến; phân hệ quản lý y tế; phân hệ quản lý giáo dục và đào tạo; phân hệ quản lý du lịch thông minh và lưu trú; phân hệ camera giám sát thông minh.

[...]