Kế hoạch 95/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 23/NQ-HĐND về thông qua Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025

Số hiệu 95/KH-UBND
Ngày ban hành 08/05/2024
Ngày có hiệu lực 08/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 08 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23/NQ-HĐND NGÀY 03/4/2024 CỦA HĐND TỈNH VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2024-2025

Thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 03/4/2024 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2024-2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến hết năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, các nền tảng cơ bản để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tiến tới hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin, nền tảng số; đảm bảo sẵn sàng, đáp ứng các điều kiện căn bản phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển 03 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo các định hướng, mục tiêu của Trung ương; quá trình triển khai phải đảm bảo công tác an toàn, an ninh trên không gian mạng, gắn kết chặt chẽ với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp; góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; từng bước hình thành, phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành một trong những Trung tâm đổi mới sáng tạo, có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững; phát huy hiệu quả tối đa của đầu tư từ ngân sách nhà nước với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

2.1. Về hạ tầng số, dữ liệu số

- Phấn đấu 100% địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng mạng di động 4G và mạng Internet cáp quang; phấn đấu 100% địa bàn khu vực trung tâm các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh có sóng di động 5G.

- Phấn đấu 100% các cơ quan nhà nước có mạng nội bộ (LAN) đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện chuyển đổi sang dải địa chỉ IPv6.

- Phấn đấu 100% các hạng mục, hợp phần cơ bản của Trung tâm dữ liệu tỉnh được triển khai đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

2.2. Về chính quyền số

- Phấn đấu 95 % hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% công việc tại cấp huyện, 60% công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- Phấn đấu 100% văn bản (trừ văn bản mật theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định.

- Phấn đấu 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- Các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia theo lộ trình Chính phủ.

- Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện theo quy định được công bố áp dụng dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

- Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến có đủ điều kiện được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

- Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tối thiểu đạt 80% trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

- Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản.

- Phấn đấu Ninh Bình nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

2.3. Về kinh tế số

- Tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP.

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt tối thiểu 10%.

2.4. Về xã hội số

- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được tuyên truyền về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 70%.

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt tối thiểu 90%.

[...]