Kế hoạch 568/KH-UBND năm 2023 phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 568/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2023
Ngày có hiệu lực 13/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Ngọc Châu
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 568/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025”; số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Văn bản số 3115/BTTTT-CVT ngày 02/8/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

- Xây dựng và phát triển hạ tầng số tỉnh Hà Tĩnh nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, mang tính đột phá, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.

- Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.

- Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số.

- Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, có bước đi và lộ trình cụ thể.

- Hạ tầng số được phát triển an toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số.

II. MỤC TIÊU CHUNG

Tập trung đầu tư đồng bộ các nền tảng thuộc hạ tầng số thiết yếu bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT) và hạ tầng nền tảng số để phục vụ phát triển chuyển đổi số của tỉnh Hà Tĩnh.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu đến năm 2025

1.1. Mạng viễn thông băng rộng di động

- Số thuê bao băng rộng di động đạt 95,2 thuê bao/100 dân.

- Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 95 %.

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 85%.

- Tốc độ băng rộng di động (tốc độ tải xuống theo i-Speed) đạt 71 Mb/s.

- Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 99,85%.

- Tỷ lệ dùng chung vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động BTS đạt 30%.

- Thử nghiệm đưa vào hoạt động mạng di động 5G tại các đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo, cơ quan nhà nước, địa điểm du lịch.

1.2. Mạng viễn thông băng rộng cố định

- Tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 80%.

[...]