Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 113/KH-UBND
Ngày ban hành 04/05/2023
Ngày có hiệu lực 04/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 04 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 2879/QĐ-BNN-TCLN ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả và cạnh tranh cao; liên kết chuỗi từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến thương mại lâm sản; thiết lập, quản lý, bảo vệ và phát triển và sử dụng bền vững rừng theo định hướng quy hoạch lâm nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động lâm nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 7,92% đến 9 %/ năm; kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 2 tỷ USD vào năm 2025; trồng 2.615 ha rừng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 208.391 m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 215 tỷ đồng; diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 10.000 ha; thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng.

b) Về xã hội: Góp phần ổn định đời sống của trên 8.000 hộ nhận khoán đất lâm nghiệp; tiếp tục duy trì, ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản.

c) Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 28,3%; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Quản lý rừng

a) Hàng năm có kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thông tư số 12-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng;

b) Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, rà soát quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng năm 2030 phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia;

c) Tổ chức kiểm kê rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; công bố hiện trạng rừng, tỷ lệ che phủ rừng; bàn giao đất từ các chủ rừng về địa phương quản lý; đề xuất mở rộng ranh giới, diện tích rừng tự nhiên giao Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý;

d) Xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng cho các đơn vị chủ rừng, hoàn thiện đối với diện tích đã được giao đất, đã được công nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa lập hồ sơ giao rừng cho thuê rừng trên toàn tỉnh; xử lý những tồn tại về công tác giao khoán đất lâm nghiệp, đảm bảo diện tích giao khoán sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch và hiệu quả kinh tế;

đ) Kiểm tra, thực hiện đúng quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; vị trí để xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng thay thế của các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; xử lý các dự án không chấp hành việc trồng lại rừng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định;

e) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp: Tiếp tục rà soát, củng cố hồ sơ, thực hiện các trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 24.600 ha chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 5 đơn vị chủ rừng, đó là: Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh.

g) Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về di dời, bố trí ổn định dân cư khu vực ấp 4, ấp 5, xã Mã đà, huyện Vĩnh Cửu với 228 hộ dân, 986 nhân khẩu, diện tích bố trí tái định cư là 108 ha đất của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thu hồi và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

2. Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng

a) Quản lý bảo vệ và phát triển bền vững 172.455 ha rừng hiện có, gồm 123.939 ha rừng tự nhiên và 48.516 ha rừng trồng; xây mới 382 pano tuyên tuyền bảo vệ rừng, 04 bảng nội quy bảo vệ rừng, xây mới 13 trạm bảo vệ rừng và duy tu 17 trạm; nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị chủ rừng, bảo vệ ổn định lâm phận 3 loại rừng; phát huy vai trò, lợi thế của từng loại rừng, trên cơ sở bảo tồn, sử dụng, cung cấp các dịch vụ và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, duy trì các giá trị đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện phương án quản lý rừng bền vững của các chủ rừng.

Huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng.

b) Chủ động xây dựng và thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng an toàn, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện, cảnh báo cháy rừng; đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác phòng cháy, nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng cháy chữa cháy (PCCCR); giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có trên địa bàn tỉnh; xử lý thực bì trên các tuyến đường băng cản lửa rừng tự nhiên và rừng trồng, trảng cỏ với tổng diện tích bình quân 2.432 ha/năm; xây dựng 05 chòi canh lửa rừng, 35 bảng dự báo cháy rừng và trang bị dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy; kiện toàn tổ chức các lực lượng phòng cháy chữa cháy, đảm bảo phòng cháy tốt, phát hiện kịp thời chữa cháy hiệu quả.

3. Giao khoán, khoán bảo vệ rừng

a) Đối với diện tích khoán thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, sản xuất: tiếp tục thực hiện chuyển hợp đồng khoán theo Nghị định số 01/CP, Nghị định số 135/CP sang Nghị định số 168/2016/NĐ-CP với diện tích là 2.250 ha (1.617 hộ); lập hợp đồng mới theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP với diện tích là 1.326 ha (1.683 hộ); hợp đồng giao khoán theo Nghị định số 01/CP, Nghị định số 135/CP diện tích là 16.453 ha (5.840 hộ) tiếp tục thực hiện; chưa lập hợp đồng khoán 2.101 ha (1.774 hộ); khoán bảo vệ rừng tự nhiên 5.674 ha. Triển khai các giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả diện tích khoán cho các hộ dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hợp đồng khoán.

b) Đối với diện tích đất giao khoán thuộc quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai: Rà soát củng cố hồ sơ khoán theo quy định hiện hành; từng bước thanh lý hợp đồng khoán trước thời hạn gắn với lộ trình thực hiện dự án quy hoạch di dời ổn định dân cư và trồng rừng thay thế; xử lý cây Keo lai.

4. Chi trả dịch vụ môi trường rừng

[...]