Thông tư 12/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 12/2022/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 20/09/2022
Ngày có hiệu lực 20/09/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2022/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG VỀ LÂM NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật số 16/2017/QH14, ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về:

1. Lập, triển khai kế hoạch hằng năm thực hiện Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) và Tiểu dự án 1 - Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thuộc Dự án 3 - Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây viết tắt là Tiểu dự án 1).

2. Các hoạt động về lâm nghiệp được sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, Tiểu dự án 1.

3. Kiểm tra, giám sát, đánh giá, chế độ báo cáo và tổ chức thực hiện Chương trình, Tiểu dự án 1.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến thực hiện Chương trình.

2. Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, Hộ gia đình người Kinh nghèo; cộng đồng dân cư thôn thuộc các xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện Tiểu dự án 1.

Điều 3. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình, Tiểu dự án 1

1. Việc quản lý, điều hành thực hiện Chương trình phải phù hợp quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan. Việc thực hiện Tiểu dự án 1 theo đúng quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây viết tắt là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP) và quy định của pháp luật có liên quan.

Việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, Tiểu dự án 1 theo quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.

2. Thực hiện hoạt động về lâm nghiệp theo đúng phạm vi của Chương trình và Tiểu dự án 1, đảm bảo không trùng lặp với hoạt động, kinh phí đã được bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác.

a) Đối với diện tích rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý, hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng; diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất do công ty lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (sau đây viết tắt là công ty lâm nghiệp) quản lý được thực hiện theo phạm vi quản lý, không phân biệt khu vực, được sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng trong Chương trình, đồng thời chủ rừng sử dụng kinh phí này để thực hiện khoán bảo vệ rừng theo định mức, cơ chế, chính sách đối với các khu vực tương ứng;

b) Đối với các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, theo dõi diễn biến rừng, giám sát, đánh giá, quản lý tài nguyên rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, trồng cây xanh phân tán; thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt; các hoạt động, nhiệm vụ đặc thù được thực hiện không phân biệt theo khu vực, kinh phí được xác định trong Chương trình.

3. Phối hợp đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép, đảm bảo phù hợp, hiệu quả giữa Chương trình với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, các Chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

[...]