Kế hoạch 112/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2015

Số hiệu 112/KH-UBND
Ngày ban hành 14/05/2015
Ngày có hiệu lực 14/05/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 112/KH-UBND

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2015

Ngày 26/12/2011, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015. Để thống nhất triển khai hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân vào việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo được sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trên địa bàn Thành phố trong việc triển khai thực hiện Quyết định 1956.

- Đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

- Không tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc, mức thu nhập và việc làm sau học nghề.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Dạy nghề cho lao động nông thôn

Tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 21.173 lao động nông thôn, trong đó:

- Cấp huyện tổ chức đào tạo 20.833 lao động, gồm:

+ Nghề nông nghiệp: 11.008 lao động

+ Nghề phi nông nghiệp: 9.825 lao động

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức thí điểm đặt hàng dạy nghề (nghề phi nông nghiệp) 340 lao động với các cơ sở dạy nghề theo từng nghề như sau:

+ Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội: đào tạo cho 70 lao động nghề Kỹ thuật chế biến món ăn.

+ Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội: đào tạo cho 90 lao động các nghề May công nghiệp, Kỹ thuật khảm trai, Sản xuất hàng mây tre giang đan.

+ Trường Trung cấp nghề Số 18: đào tạo cho 90 lao động nghề May công nghiệp.

+ Trường Trung cấp nghề Công đoàn Việt Nam: đào tạo cho 90 lao động nghề Hàn.

Hình thức đào tạo: đặt hàng dạy nghề thông qua hợp đồng đặt hàng với các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định tại Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Đào tạo cán bộ công chức cấp xã

Đào tạo, bồi dưỡng cho 3.800 cán bộ, công chức cấp xã đối với các huyện, quận, thị xã có dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo đúng nội dung, đối tượng, bao gồm:

- Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể cấp xã;

- Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp xã;

- Bồi dưỡng công chức, cán bộ quản lý cấp xã theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp.

3. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề: tối thiểu đạt 80%.

[...]