Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư liên tịch 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" do Bộ trưởng các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT
Ngày ban hành 12/12/2012
Ngày có hiệu lực 27/01/2013
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công thương,Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,Bộ Nội vụ,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Trần Đức Lai,Nguyễn Ngọc Phi,Nguyễn Đăng Khoa,Nguyễn Tiến Dĩnh,Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ NỘI VỤ - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020”

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính (văn bản số 14132/BTC-HCSN ngày 21 tháng 10 năm 2011) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 6933/BKHĐT-KHDGTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2011);

Bộ trưởng các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tịch hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi chung là Đề án) tại các địa phương trong toàn quốc.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh);

b) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện);

c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nội vụ, Phòng Công Thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế), Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn cấp huyện);

d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã);

đ) Các học viện, trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện,... tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã; các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề; các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng; các viện nghiên cứu; trung tâm khuyến công; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; các doanh nghiệp, nông trường, lâm trường, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ; các hội, chi hội nghề nghiệp... tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng (sau đây gọi chung là các cơ sở);

e) Người lao động nông thôn tham gia học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng (sau đây gọi là người lao động nông thôn); cán bộ, công chức xã.

Điều 2. Nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp

1. Nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng là các nghề thuộc các nhóm nghề: quản lý tài nguyên rừng, quản lý và khai thác công trình thủy nông.... (mã số 223404); sinh học ứng dụng (mã số 224202); sản xuất muối; chế biến, bảo quản nông sản, lâm sản, thủy sản.... (mã số 225403); nông nghiệp (mã số 226201); lâm nghiệp (mã số 226202); thủy sản (mã sổ 226203); thú y (mã số 2264) được quy định tại Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 9 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng là các nghề thuộc những nhóm nghề được quy định tại Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 9 tháng 3 năm 2009 của Thủ tưởng Chính phủ, trừ các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Là cơ quan thường trực Đề án cấp tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án hàng năm, 5 năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);

b) Hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; cơ quan chuyên môn cấp huyện hàng năm xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định hiện hành, để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phân bổ kinh phí thực hiện Đề án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan điều phối và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án tại địa phương;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định danh mục nghề phi nông nghiệp; tổng hợp danh mục nghề đào tạo (nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp), trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; cung cấp thông tin cho cấp huyện, cấp xã về các nghề đào tạo và hướng dẫn việc tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn lựa chọn nghề học phù hợp; tổng hợp nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh;

e) Hướng dẫn các cơ sở xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình dạy nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng theo quy định. Tổ chức kiểm tra năng lực của các cơ sở về điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn theo quy định;

g) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề phi nông nghiệp trong danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn;

h) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp mức chi phí đào tạo cho từng nghề (nông nghiệp, phi nông nghiệp) trong danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

[...]