Kế hoạch 11/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 11/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2021
Ngày có hiệu lực 20/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Thanh Nhàn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG VẬN TẢI CẠNH TRANH THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC, KẾT NỐI GIỮA CÁC HÌNH THỨC VẬN TẢI KHÁC NHAU, CHÚ TRỌNG ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐỂ GIẢM THIỂU CHI PHÍ VẬN TẢI TẠO THUẬN LỢI CHO LƯU THÔNG; PHÂN PHỐI HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ CỦA DOANH NGHIỆP” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp”. UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và kinh doanh thương mại, bảo đảm các điều kiện cần thiết để tái cơ cấu lực lượng vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh vận tải.

2. Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải; hình thành được các doanh nghiệp vận tải có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận tải và dịch vụ logistics để cung cấp vận tải đa phương thức, vươn ra thị trường quốc tế có biên giới trên bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải.

3. Phát triển hợp lý các phương thức vận tải gắn với các nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải để đạt được chỉ tiêu cụ thể về thị phần vận tải đến năm 2030 theo Chiến lược phát triển thị trường vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014.

4. Tăng cường kết nối giữa các phương thức để phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đưa chi phí vận tải hàng hóa xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.

5. Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng vận tải; ưu tiên xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, các công trình có vai trò kết nối các phương thức vận tải.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

Theo lộ trình thực hiện Đề án từ nay đến năm 2025, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn; phát triển kết cấu hạ tàng giao thông trọng yếu có vai trò thúc đẩy phát triển vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; tăng cường hợp tác quốc tế về giao thông vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Do vậy, để triển khai thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương song song với lộ trình thực hiện Đề án của các Bộ, ngành Trung ương, yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Sở Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê các bãi đỗ xe tự phát, các bãi lên xuống hàng hóa để hướng dẫn và hỗ trợ việc thực hiện đăng ký hoạt động đúng theo quy định.

Tăng cường công tác vận động và khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đăng tải nhu cầu vận tải và giao dịch vận chuyển thông qua các sàn giao dịch vận tải được Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích sử dụng, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, kết nối hợp lý các loại hình vận tải với nhau, hình thành hệ thống giao thông thông minh.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố chủ động mời gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe khách, bến xe hàng hóa và các cảng, bến tàu theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang.

Vận động, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau để hình thành những doanh nghiệp lớn có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường vận tải của tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng xe, quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên xe và việc kê khai niêm yết giá cước..., đảm bảo ổn định trật tự trong hoạt động kinh doanh vận tải và thúc đẩy cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

2. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, điều chỉnh vị trí các bến xe, cảng, bến tàu không còn phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt do quá trình đô thị hóa hoặc kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch hệ thống các kho hàng, các bãi đỗ xe ưu tiên bố trí, quy hoạch hệ thống kho bãi hàng ngoài trung tâm đô thị để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và có tiềm năng nâng cấp, mở rộng hình thành hệ thống kho bãi hoàn chỉnh để phát triển ngành dịch vụ logistics trong thời gian tới.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu việc lập kế hoạch đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ đến trung tâm các huyện, các cụm kinh tế ven biển.

Đẩy mạnh công tác mời gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe khách, bến xe hàng hóa, các cảng, bến tàu. Ưu tiên cân đối, đề xuất bố trí ngân sách của tỉnh để đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư đối với các bến trọng điểm khai thác được cả đường bộ, đường thủy, kết nối hiệu quả các phương thức vận tải và các dịch vụ logistics kèm theo.

Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết với nhau, hình thành những doanh nghiệp lớn phù hợp quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với cơ quan thuế và các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất các chính sách về thuế, phí, giá dịch vụ, cơ chế hỗ trợ tài chính theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

[...]