Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 178/NQ-CP và Kế hoạch 332-KH/TU thực hiện Kết luận 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 15/01/2024
Ngày có hiệu lực 15/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 15 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 178/NQ-CP NGÀY 31/10/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 332-KH/TU NGÀY 25/9/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 49-KL/TW NGÀY 28/02/2023 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ (ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị), Kế hoạch số 332-KH/TU ngày 25/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt sâu rộng, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, xác định định rõ nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 332-KH/TU ngày 25/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thực hiện tốt định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của vận tải đường sắt. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong công tác phối hợp, quản lý, quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và hoạt động đường sắt theo phạm vi quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy lợi thế trên các hành lang kinh tế chiến lược của tỉnh, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2. Yêu cầu

Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo phù hợp và gắn kết chặt chẽ với liên kết vùng, hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh; Phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 và Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Quy hoạch phát triển đường sắt tỉnh Quảng Ninh trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan khác.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, nhất là phát triển hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với liên kết vùng, hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2030: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ninh.

- Sau năm 2030 đến năm 2045:

+ Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương nghiên cứu từng bước triển khai xây dựng tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng theo quy hoạch: Tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long); Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái và 02 tuyến nhánh kết nối từ tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái tới cảng Con Ong - Hòn Nét và cảng biển Hải Hà theo quy hoạch.

+ Nghiên cứu các tuyến đường sắt đô thị kết nối các địa phương: Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên - Hạ Long (có kết nối với Hải Dương và Hải Phòng); Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn; Hải Hà - Móng Cái.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Các Sở, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 332-KH/TU ngày 25/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chính như sau:

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Kế hoạch

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt. Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đường sắt đồng bộ với phát triển ngành giao thông vận tải.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, tập trung quán triệt các nội dung Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng của vận tải đường sắt.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt

- Rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 và Phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Quy hoạch phát triển đường sắt tỉnh Quảng Ninh trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.

- Lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị để phát triển hệ thống đường sắt đô thị, khai thác không gian ngầm; phát triển các đô thị nén và khuyến khích đầu tư công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng xung quanh các khu ga.

- Trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch ưu tiên dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực quanh các khu ga đường sắt lớn, ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt trong đô thị để phát triển các đô thị, khu chức năng (mô hình TOD).

- Tập trung hoàn thành việc lập quy hoạch các tuyến đường sắt thuộc thẩm quyền của tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong công tác lập quy hoạch giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của Trung ương theo từng giai đoạn trong Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm kết nối liên thông tổng thể với mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không của tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.

- Bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các cảng cạn và trung tâm logistics, kho bãi làm đầu mối tổ chức vận tải, lưu thông, trung chuyển, giao nhận hàng hóa, phát triển các phương thức kết nối thuận lợi gắn liền và phát huy lợi thế của vận tải đường sắt; chú trọng công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế kết nối với các tuyến, khu ga đường sắt, trước mắt là tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ninh để tạo không gian phát triển mới.

[...]