Hướng dẫn 06/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án về trật tự xã hội năm 2019 do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 06/HD-VKSTC
Ngày ban hành 14/01/2019
Ngày có hiệu lực 14/01/2019
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Lê Thị Tuyết Hoa
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2019

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA, KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI NĂM 2019

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019 và Kết luận của Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 là tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; quán triệt thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong các Nghị quyết số 37, số 63, số 96, số 111 của Quốc hội khóa XIII; tăng cường các biện pháp phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 04/2015 của Viện trưởng VKSNDTC về chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; Chỉ thị số 06/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và các Chỉ thị chuyên đề khác; Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2) hướng dẫn các Viện kiểm sát địa phương thực hiện nhiệm vụ sau:

I. CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

1. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

- Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục đề ra các biện pháp nhằm kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Nắm và quản lý chặt chẽ, đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ trực nghiệp vụ, tiếp công dân 24/24 giờ. Phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra, các cơ quan hữu quan cùng cấp và thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội để nắm các tố giác, tin báo về tội phạm. Tiến hành phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt lưu ý các tố giác, tin báo về xâm hại trẻ em; tội phạm mạng; tội phạm “tín dụng đen, cho vay nặng lãi”; tội phạm có hình thức “bảo kê” và “đòi nợ thuê” có dấu hiệu biến tướng; tội phạm phi truyền thống.

- Xây dựng kế hoạch kiểm sát trực tiếp việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của các Cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp và cấp dưới.

- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đề xuất giải pháp, kiến nghị để tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao trong công tác hoàn thiện xây dựng pháp luật.

2. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

Bên cạnh việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc yêu cầu trong các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và các Quy chế nghiệp vụ của ngành, liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; VKS hai cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương) cần lưu ý thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có khiếu kiện kéo dài, đề xuất Lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên có trình độ, năng lực và trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, đặc biệt đối với các vụ án xâm hại trẻ em.

Hai là, thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra của Điều tra viên. Thực hiện nghiêm chỉnh việc giao nhận, đóng dấu bút lục, sao lưu hồ sơ, tài liệu, biên bản về hoạt động điều tra do Cơ quan điều tra chuyển đến theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Ba là, Kiểm sát viên phải nắm chắc tiến độ điều tra, thời hạn điều tra, thời hạn tạm giữ, tạm giam đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không được để xảy ra quá hạn, đặc biệt là thời hạn tạm giữ, tạm giam.

Bốn là, khi phê chuẩn các Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, tạm giam, gia hạn tạm giam phải kiểm tra, xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ và căn cứ pháp luật. Trong đó, phải lưu ý nghiên cứu và vận dụng đúng các quy định có lợi cho người phạm tội quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015.

Năm là, tích cực, chủ động, trong việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, đặc biệt đối với những trường hợp bị can không nhận tội, kêu oan, tố cáo Điều tra viên bức cung, nhục hình, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra, bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Sáu là, tăng cường phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; trong trường hợp có nhiều quan điểm không thống nhất cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo hai ngành quyết định. Nếu lãnh đạo hai ngành không thống nhất hoặc có những khó khăn vướng mắc không thể giải quyết được thì thỉnh thị xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan tố tụng cấp trên, nhằm tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Bảy là, Kiểm sát và quản lý chặt chẽ; định kỳ rà soát các trường hợp tạm đình chỉ điều tra. Thường xuyên đôn đốc việc bắt truy nã và yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, bảo đảm các vụ án tạm đình chỉ điều tra phải được xử lý ngay khi có đủ căn cứ, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Không lạm dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định của pháp luật liên quan để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng.

Tám là, Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp phải chủ động kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vụ án có dấu hiệu oan, sai; trường hợp vướng mắc phải báo cáo thỉnh thị kịp thời. Định kỳ, hằng tháng báo cáo VKSND tối cao tiến độ, kết quả giải quyết những vụ án đã xác định là oan, sai.

Chín là, đối với các vụ án đề nghị VKSND tối cao gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam lần thứ 3, yêu cầu VKS địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 172 và Khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự (chậm nhất trước khi hết thời hạn điều tra hoặc hết thời hạn tạm giam 10 ngày, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKSND tối cao gia hạn).

Trong năm 2019, Vụ 2 sẽ từ chối gia hạn đồng thời sẽ ban hành thông báo rút kinh nghiệm toàn quốc đối với các trường hợp: 1) Vi phạm về thời hạn theo quy định; 2) Việc giải quyết vụ án bị kéo dài do Kiểm sát viên, Điều tra viên thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án.

3. Công tác THQCT và KSXXST các vụ án hình sự

Tiếp tục thực hiện chủ trương "Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa", đề nghị Viện kiểm sát các địa phương cần thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Thứ nhất, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm hoạt động tranh tụng có chất lượng và thuyết phục; lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp phải chỉ đạo, kiểm tra Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tổng hợp, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; chuẩn bị kỹ bản luận tội, đề cương, kế hoạch xét hỏi, đề cương tranh tụng, dự thảo đề cương và các phương án tranh tụng; dự kiến các tình huống có thể diễn ra để chuẩn bị các biện pháp giải quyết; chuẩn bị tâm lý vững vàng, chứng cứ buộc tội vững chắc, để đảm bảo tranh tụng có chất lượng và thuyết phục. Bản luận tội phải được Lãnh đạo Viện duyệt trước khi tham gia phiên tòa.

Thứ hai, đối với những vụ án bị cáo kêu oan, vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, có nhiều người bào chữa, Lãnh đạo đơn vị kiểm sát phải trực tiếp hoặc phân công Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Thứ ba, phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, tập trung về kỹ năng thẩm vấn, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Thứ tư, kiểm sát chặt chẽ biên bản phiên tòa, Bản án của Tòa án.

[...]