Chỉ thị 03/CT-VKSTC năm 2017 về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 03/CT-VKSTC |
Ngày ban hành | 28/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 28/12/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Lê Minh Trí |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2017 |
Thời gian qua, việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được những kết quả tích cực; các thỉnh thị về đường lối giải quyết vụ án, vướng mắc về nhận thức, áp dụng pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát đã được hướng dẫn, giải đáp kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn có một số hạn chế, như: một số thỉnh thị không được trả lời hoặc trả lời chậm, trả lời còn mang tính chung chung, không rõ ràng, không sát với yêu cầu thỉnh thị; một số vướng mắc trong nhận thức, áp dụng pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát chưa được hướng dẫn, giải đáp kịp thời; một số thông báo rút kinh nghiệm chưa được quan tâm đúng mức, số lượng thông báo rút kinh nghiệm được ban hành còn ít.
Để tăng cường hiệu quả việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau đây:
2. Về tăng cường việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị:
2.1. Viện kiểm sát cấp dưới tăng cường tính chủ động, thực hiện nghiêm việc thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên trong phạm vi thẩm quyền, lĩnh vực công tác được phân công quản lý, theo dõi đối với những vụ, việc được quy định trong Danh mục C của Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ/VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (sau đây gọi tắt là Quy chế số 279). Quy trình, thủ tục thỉnh thị phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 19 Quy chế số 279.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới chịu trách nhiệm về việc không thỉnh thị hoặc thỉnh thị chậm đối với những vụ, việc nêu trên, dẫn đến để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Viện kiểm sát cấp dưới có trách nhiệm theo dõi, kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên trả lời thỉnh thị. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên không trả lời hoặc chậm trả lời thỉnh thị thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới phải trực tiếp báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, giải quyết.
Viện kiểm sát cấp dưới thực hiện ý kiến trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp trên theo đúng quy định của Quy chế số 279. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ ý kiến trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp trên mà không giải trình được lý do chính đáng. Trường hợp Viện kiểm sát cấp trên trả lời thỉnh thị không cụ thể, rõ ràng hoặc không đúng quy định của pháp luật thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới phải trực tiếp báo cáo Viện trưởng VKSND cấp trên một cấp xem xét, giải quyết.
Thỉnh thị về vụ, việc cụ thể, về áp dụng quy chế, hệ thống biểu mẫu, sổ sách nghiệp vụ, về giải quyết bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát được thực hiện theo các quy định của ngành Kiểm sát.
2.2. Viện kiểm sát cấp trên nhận được thỉnh thị mà thấy không đúng thẩm quyền, không đúng lĩnh vực công tác được phân công quản lý, theo dõi thì chuyển ngay thỉnh thị đến Viện kiểm sát hoặc đơn vị có thẩm quyền để giải quyết, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát đã thỉnh thị biết.
Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết mà thấy nội dung báo cáo thỉnh thị không rõ, quy trình, thủ tục báo cáo thỉnh thị không đúng quy định tại Điều 19 Quy chế số 279 thì phải kịp thời yêu cầu, hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thực hiện theo đúng quy định.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên nghiên cứu, xây dựng văn bản trả lời thỉnh thị theo đúng thời hạn quy định, trường hợp phải kéo dài thời hạn trả lời thỉnh thị do phải trao đổi với liên ngành hoặc báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát thì thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới biết. Nội dung trả lời thỉnh thị phải rõ ràng, cụ thể, chất lượng, đúng với nội dung thỉnh thị, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm tính kịp thời.
Đối với thỉnh thị liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra khi trả lời thỉnh thị VKSND cấp tỉnh cần phải trao đổi thống nhất với VKSND cấp cao trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm thuộc VKSND cấp tỉnh khi trả lời thỉnh thị VKSND cấp huyện thì cần trao đổi thống nhất với Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm cùng cấp.
Sau khi trả lời thỉnh thị, Viện kiểm sát cấp trên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của Viện kiểm sát cấp dưới. Trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ văn bản trả lời thỉnh thị thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới có văn bản giải trình, đồng thời tổng hợp để báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.
3. Về tăng cường việc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc:
Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp các vướng mắc về nhận thức, áp dụng pháp luật và nghiệp vụ kiểm sát để kịp thời nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc.
Trường hợp vướng mắc của VKSND cấp huyện về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử thì VKSND cấp tỉnh phải nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc. Nếu VKSND cấp tỉnh không hướng dẫn, giải đáp được mới hỏi VKSND cấp cao hoặc VKSND tối cao. Trường hợp vướng mắc của VKSND cấp tỉnh về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử thì VKSND cấp cao phải nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc. Nếu VKSND cấp cao không hướng dẫn, giải đáp được mới hỏi VKSND tối cao.
Trong trường hợp nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Kiểm sát hoặc vượt quá thẩm quyền thì các đơn vị Viện kiểm sát cấp trên phải trao đổi, thống nhất với cơ quan, đơn vị có liên quan trước khi ban hành văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc. Trường hợp không thống nhất được quan điểm giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm báo cáo ngay với các cơ quan, người có thẩm quyền để giải quyết.
Đối với những vụ, việc gặp vướng mắc ở nhiều Viện kiểm sát cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền thì Viện kiểm sát cấp trên kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc chung.
4. Về tăng cường việc thông báo rút kinh nghiệm:
Viện kiểm sát cấp trên ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong trường hợp phát hiện có vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng của đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát cấp mình và của Viện kiểm sát cấp dưới để rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.
Trường hợp có nhiều Viện kiểm sát cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng thì Viện kiểm sát cấp trên kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung.
Việc gửi thông báo rút kinh nghiệm được thực hiện theo quy định của ngành Kiểm sát.
5.1. Yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm tại Viện kiểm sát cấp mình.