Công văn 5132/BGDĐT-PC năm 2023 hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023-2024 về Công tác pháp chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 5132/BGDĐT-PC
Ngày ban hành 21/09/2023
Ngày có hiệu lực 21/09/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Văn Phúc
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5132/BGDĐT-PC
V/v hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 về Công tác pháp chế

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP); Công văn số 3878/BGDĐT-PC ngày 24/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học (Công văn số 3878/BGDĐT-PC) và Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 về Công tác pháp chế như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ người làm công tác pháp chế và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (đối với các Sở GDĐT) và Công văn số 3878/BGDĐT- PC (đối với các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm).

2. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo (GDĐT); phối hợp triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là các văn bản dưới luật trong lĩnh vực GDĐT.

3. Chủ động rà soát VBQPPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019-2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan.

4. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); thực hiện có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhiệm vụ công tác PBGDPL; bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2023 - 2024; tập trung tuyên truyền, phổ biến các luật và quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về GDĐT, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam.

5. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về giáo dục để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo

Các Sở GDĐT tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về công tác pháp chế được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Về tổ chức pháp chế:

- Tiếp tục kiện toàn, phát huy vai trò của tổ chức pháp chế tại đơn vị;

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác pháp chế nhằm nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ người làm công tác pháp chế trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương;

- Cử người làm công tác pháp chế tham gia các lớp bồi dưỡng , tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ GDĐT, Sở Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức.

b) Về công tác xây dựng VBQPPL:

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL; chủ trì soạn thảo hoặc cử người tham gia soạn thảo các VBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực giáo dục ở địa phương;

- Tham gia góp ý đầy đủ, có chất lượng đối với các dự thảo VBQPPL liên quan đến lĩnh vực giáo dục do các cơ quan, đơn vị khác soạn thảo theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL; phối hợp triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực GDĐT.

c) Về công tác kiểm tra, xử lý; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL:

- Phối hợp với Sở Tư pháp giúp HĐND, UBND cấp tỉnh trong công tác tự kiểm tra, xử lý VBQPPL trong lĩnh vực giáo dục do HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành;

- Thực hiện tự kiểm tra, xử lý văn bản cá biệt có chứa quy phạm pháp luật do Sở GDĐT ban hành;

- Chủ động và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát VBQPPL trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ văn bản; triển khai thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019-2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan;

- Báo cáo Bộ GDĐT về kết quả kiểm tra, xử lý VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

d) Về công tác tuyên truyền, PBGDPL:

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT ngày 28/02/2023 ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL năm 2023 của ngành giáo dục; tổ chức phổ biến kịp thời, thường xuyên chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định mới liên quan đến lĩnh vực GDĐT, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành;

- Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL cho người học; tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục, ngành tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai công tác PBGDPL;

- Tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 gắn với việc tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, căn cứ điều kiện thực tiễn chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của công chức, viên chức, nhà giáo, học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần tập trung vào phổ biến chính sách, pháp luật, văn bản mới được thông qua năm 2023 và năm 2024; các quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công chức, viên chức, nhà giáo, người học; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt tập trung vào 02 tháng (tháng 10, 11/2023), cao điểm từ ngày 01/11 đến 09/11/2023. Về hình thức tổ chức, tập trung huy động và triển khai các hoạt động trên phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với địa phương, cơ sở. Về khẩu hiệu, đề nghị địa phương, nhà trường chủ động tham khảo, lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp xây dựng1.

[...]