Công văn 3860/LĐTBXH-BĐG năm 2022 hướng dẫn thực hiện nội dung số 06 thuộc nội dung thành phần số 08 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 3860/LĐTBXH-BĐG
Ngày ban hành 29/09/2022
Ngày có hiệu lực 29/09/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3860/LĐTBXH-BĐG
V/v hướng dẫn thực hiện nội dung số 06 thuộc nội dung thành phần số 08 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Quyết định số 263/QĐ-TTg), Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 -2025 (sau đây gọi là Quyết định số 318/QĐ-TTg), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai nội dung số 06 thuộc nội dung thành phần số 08 “Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình) như sau:

I. Đối với nội dung tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội

1. Tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các xã nông thôn.

Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về việc đảm bảo và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030(1); Quyết định số 2282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” với các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quản lý, lãnh đạo.

- Ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia đào tạo, nâng cao năng lực; tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ được tham gia lãnh đạo, quản lý.

- Triển khai hoạt động nâng cao năng lực về công tác cán bộ nữ cho cán bộ quản lý và người làm công tác nội vụ, tổ chức,… ở các cấp, các ngành.

- Đảm bảo tỉ lệ nữ trong quy hoạch theo quy định; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, lãnh đạo, công chức, viên chức nữ.

- Truyền thông nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín và cộng đồng dân cư về bình đẳng giới, vị thế, vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng mạng lưới cán bộ nữ tiềm năng các cấp nhằm tạo môi trường lành mạnh cho cán bộ nữ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

2. Thực hiện việc lồng ghép giới trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động về kinh tế ở khu vực nông thôn, trong đó ưu tiên các đối tượng là phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị bạo lực trên cơ sở giới, người dễ bị tổn thương trong đời sống xã hội, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vì lý do kinh tế với các hoạt động chính như sau:

- Hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho phụ nữ và những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.

- Đào tạo, nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho lãnh đạo, quản lý các mô hình kinh tế tập thể.

- Xây dựng và triển khai các chính sách ưu tiên hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.

- Điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu về lao động của các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn; nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và tham gia thị trường lao động của phụ nữ.

- Triển khai các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi quan niệm truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình và xã hội theo hướng đề cao vai trò, ý nghĩa và hiệu quả khi phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế; tăng cường trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình.

3. Triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chấm dứt tình trạng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Đối tượng truyền thông cần hướng đến những người có ảnh hưởng lớn đối với công chúng, người có uy tín trong cộng đồng, nam giới và những người dễ bị tổn thương trong đời sống xã hội và gia đình. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc số hóa các nội dung, tài liệu truyền thông để nâng cao hiệu quả và mở rộng đối tượng tiếp cận. Các hoạt động trọng tâm như sau:

- Xây dựng và phát hành sổ tay, tài liệu, ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, các tài liệu hỗ trợ và hướng dẫn vận hành, quản lý các tổ truyền thông cộng đồng; Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông.

- Thực hiện các hoạt động, chiến dịch truyền thông, hội thi, liên hoan về các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

4. Đối với hoạt động của Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng

- Triển khai Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh ở cộng đồng đạt chuẩn hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, áp dụng theo Quyết định số 1814/QĐ-LĐTBXH ngày 18/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn tạm thời về điều kiện tối thiểu của Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng.

- Các hoạt động triển khai áp dụng theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 03/2022/TT-BTC ngày 12/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

5. Đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết và kiểm tra, giám sát Chương trình.

- Tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới trong Chương trình.

- Tổ chức và phối hợp tổ chức, tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình nhằm nắm bắt kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai.

- Thực hiện giám sát, đánh giá việc lồng ghép giới ở các ngành, lĩnh vực khác trong quá trình triển khai Chương trình.

- Định kỳ tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động trong nội dung số 06 thuộc nội dung thành phần số 08 của Chương trình. Biểu dương, khen thưởng và nhân rộng với những điển hình tiên tiến.

[...]