Công văn hướng dẫn thực hiện Quy chế kiểm tra và chứng nhận Nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản

Số hiệu 2920-CV/KHCN
Ngày ban hành 28/12/1996
Ngày có hiệu lực 28/12/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Hữu Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2920-CV/KHCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 2920 CV/KHCN NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ KIỂM TRA VÀ CHỨNG NHẬN NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ THUỶ SẢN

Kính gửi: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuỷ sản,

 

Thực hiện Nghị định 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá, để thống nhất trên cả nước việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đã có Quyết định số 1184 QĐ/KHCN ngày 21/12/1996 ban hành Quy chế Kiểm tra và chứng nhận nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản. Quy chế này có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/1997.

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn cho các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất - kinh doanh hàng thuỷ sản (sau đây gọi tắt là chủ hàng) một số nội dung cụ thể của Quy chế như sau:

1- Đối tượng kiểm tra: Tất cả các loại hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu, nhập khẩu và tiêu thụ nội địa (kể cả mẫu chào hàng) thuộc Danh mục bắt buộc kiểm tra nhà nước về chất lượng do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố. Trong năm 1997, đối tượng kiểm tra nhà nước về chất lượng là các hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu và nhập khẩu trong Danh mục ban hành kèm theo Quyết định 2579 QĐ/TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các quyết định bổ sung (nếu có).

2- Phân công trách nhiệm cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng:

Bộ Thuỷ sản phân công phạm vi trách nhiệm cụ thể của các cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc Danh mục nói trên như sau:

a) Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các cơ quan trực thuộc Cục BVNLTS thực hiện kiểm tra các loại hàng hoá là: giống thuỷ sản; động vật, thực vật thuỷ sản sống; thức ăn cho nuôi thuỷ sản; thuốc dùng cho động vật, thực vật thuỷ sản; lưới, dụng cụ đánh cá. Cục BVNLTS là cơ quan duy nhất được phép cấp giấy chứng nhận chất lượng nhà nước cho các loại hàng hoá thuỷ sản nói trên xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan).

b) Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh thuỷ sản và các Chi nhánh của Trung tâm (gọi tắt theo tên tiếng Anh là NAFIQACEN) thực hiện việc kiểm tra chất lượng các hàng hoá thuỷ sản khác (ngoài các hàng hoá nói ở điểm a). Là cơ quan duy nhất được phép cấp giấy chứng nhận chất lượng nhà nước cho hàng hoá thuỷ sản (ngoài các loại nói ở điểm a) xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan hiện nay).

c) Các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, II, III (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thực hiện việc kiểm tra chất lượng các hàng hoá thuỷ sản khác (ngoài các hàng hoá nói ở mục a), ngoại trừ các hàng hoá được xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan hiện nay).

Các đơn vị khác không có thẩm quyền kiểm tra và cấp giấy chứng nhận nhà nước về chất lượng đối với hàng thuỷ sản thuộc danh mục nói tại điểm 1. Giấy chứng nhận cấp sai phạm vi được phân công tại điểm 2 không có giá trị pháp lý.

3- Thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng: Chủ hàng có trách nhiệm đăng ký kiểm tra và nộp hồ sơ kiểm tra theo quy định tại một trong các cơ quan kiểm tra nhà nước theo sự phân công nói tại điểm 2 của công văn này. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá (2 bản) theo mấu 01 TS/KHCN.

b) Bản sao hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng mua bán ngoại thương (phần liên quan đến chất lượng lô hàng xin kiểm tra).

c) Bản kê chi tiết lô hàng.

d) Các tài liệu kỹ thuật có liên quan đến chất lượng lô hàng theo quy định của cơ quan kiểm tra nhà nước.

e) Vận đơn (đối với hàng nhập khẩu), hoá đơn (đối với hàng xuất khẩu).

Chủ hàng phải đăng ký kiểm tra lại lô hàng trong trường hợp: Giấy chứng nhận chất lượng lô hàng hết thời hạn; lô hàng bị hư hại; hàng hoá hoặc bao bì bị thay đổi; lô hàng đã được tái chế, hoàn thiện, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra nhà nước.

4- Phương thức kiểm tra: Kiểm tra thường bằng cách lấy mẫu đại diện từng lô hàng theo quy định và kiểm tra giảm. Các cơ sở sản xuất thuỷ sản được Bộ Thuỷ sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuỷ sản xuất khẩu và giấy chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như GMP, HACCP, hoặc được cơ quan kiểm tra nhà nước theo dõi giám sát quá trình sản xuất và lấy mẫu kiểm tra ngay trên dây chuyền sản xuất sẽ được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.

5- Giấy chứng nhận chất lượng: Để làm thủ tục thông quan cho hàng hoá thuộc danh mục nói ở điểm 1, chủ hàng cần phải có bản gốc giấy chứng nhận chất lượng do cơ quan kiểm tra nhà nước đã phân công ở điểm 2 cấp theo mẫu 05 TS/KHCN, áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giấy chứng nhận chỉ có giá trị cho từng lô hàng trong thời hạn hiệu lực.

6- Phí và lệ phí kiểm tra: Chủ hàng phải nộplệ phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của Nhà nước tại các Thông tư Liên Bộ Thuỷ sản - Tài chính số 89 TT/LB ngày 27/11/1995 và số 13 Tư TT/LB ngày 12/2/1996. Trong thời gian chờ đợi sự điều chỉnh mức thu phí theo các Thông tư nói trên, thống nhất mức thu phí kiểm tra nhà nước về chất lượng bằng 0,1% giá trị lô hàng theo Quyết định số 2578 QĐ/TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trường hợp doanh nghiệp được áp dụng chế độ kiểm tra giảm, phí kiểm tra sẽ được tính giảm tương ứng.

7- Khiếu nại: Trong 3 ngày kể từ khi nhận được kết quả, chủ hàng có quyền yêu cầu cơ quan kiểm tra nhà nước kiểm tra lại lô hàng. Chủ hàng có quyền khiếu nại tới Bộ Thuỷ sản về kết quả kiểm tra và các vi phạm của cơ quan kiểm tra nhà nước trong việc thực hiện Quy chế. Kết luận của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản là quyết định cuối cùng.

Bộ Thuỷ sản yêu cầu các đơn vị sản xuất - kinh doanh thuỷ sản chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ với Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở địa phương, hoặc các cơ quan quan kiểm tra nhà nước được quy định tại điểm 2 để được giải thích thêm về nội dung và hướng dẫn thực hiện Quy chế. Trong quá trình thi hành Quy chế, nếu thấy có điều chưa hợp lý, đề nghị gửi kiến nghị cụ thể về Bộ Thuỷ sản để Bộ xem xét, sửa đổi cho thích hợp.

 

Nguyễn Hữu Dũng

(Đã ký)