Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 13TT/LB năm 1996 về chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí về công tác quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản và Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 13TT/LB
Ngày ban hành 12/02/1996
Ngày có hiệu lực 12/02/1996
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Thị Hồng Minh,Vũ Mộng Giao
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13TT/LB

Hà Nội , ngày 12 tháng 2 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ  TÀI CHÍNH - THUỶ SẢN SỐ 13 TT/LB NGÀY 12 THÁNG 02 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU, NỘP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VÀ VỆ SINH THUỶ SẢN

Căn cứ Điều 6, Điều 7, Điều 9 và Điều 24 Pháp lệnh chất lượng hàng hoá của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , ban hành ngày 27/12/1990;
Căn cứ Khoản 3, Điều 4 và Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá;
Căn cứ Khoản 6 và Khoản 7, Điều 2 của Nghị định 50/CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số 276 CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí;
Liên Bộ Tài chính - Thuỷ sản quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí và lệ phí về công tác quản lý chất lượng và vệ sinh sản phẩm thuỷ sản như sau:

I/ ĐỐI TƯỢNG NỘP:

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuỷ sản, có yêu cầu kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản theo quy định của pháp luật đều phải nộp phí và lệ phí theo qui định tại Thông tư này cho cơ quan kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản.

II/ MỨC THU:

1) Mức thu phí kiểm tra điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thuỷ sản; phí kiểm tra chất lượng và lệ phí cấp các giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện sản xuất thuỷ sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm thuỷ sản, qui định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

2) Trường hợp cấp lại hoặc gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận thì thu bằng 50% mức thu lệ phí cấp các giấy phép quy định tại Thông tư này.

3) Trường hợp khách hàng có nhu cầu gấp, có đơn đề nghị làm việc ngoài giờ hành chính để đảm bảo thời gian thì được phép thu thêm 50% mức thu quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này đối với công việc thực tế phải làm thêm ngoài giờ hành chính quy định.

Khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Liên Bộ sẽ điều chỉnh lại mức thu cho phù hợp với thực tế.

III/ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ VÀ LỆ PHÍ:

1) Phí và lệ phí về quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản là khoản thu của ngân sách Nhà nước do cơ quan kiểm tra chất lượng và Vệ sinh thuỷ sản thực hiện thu đồng thời với việc thực hiện chức năng quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản được pháp luật qui định.

2) Sử dụng và quản lý chứng từ thu phí, lệ phí:

- Bộ Tài chính (Cơ quan Thuế) phát hành biên lai thu tiền phí và lệ phí kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản. Cơ quan thu phí, lệ phí nhận biên lai thu tiền tại Cục Thuế địa phương nơi đóng trụ sở. Khi thu tiền phí, lệ phí phải cấp biên lai thu tiền, ghi đúng số tiền đã thu cho người nộp tiền phí, lệ phí.

Cơ quan nhận biên lai thu tiền phí, lệ phí có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán biên lai với Cơ quan Thuế theo đúng chế độ của Bộ tài chính quy định.

- Bộ Thuỷ sản (Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh Thuỷ sản) thống nhất phát hành các loại giấy đăng ký kê khai, giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản và cấp cho các đối tượng nộp phí, lệ phí.

3) Quản lý sử dụng tiền thu phí và lệ phí:

a) Cơ quan thu phí, lệ phí về quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản được tạm giữ lại 90% số tiền phí, lệ phí đã thu được theo mức thu quy định tại Thông tư này, để chi phí thường xuyên cho thực hiện công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản, cụ thể như sau:

- Mua sắm các thiết bị, phương tiện làm việc để thực hiện công tác kiểm nghiệm (trừ các khoản chi không thường xuyên cho việc mua sắm tài sản cố định, phải lập dự toán đề nghị ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch được duyệt hàng năm và phải quản lý theo chế độ riêng);

- Mua sắm vật tư để thực hiện công tác kiểm nghiệm;

- Trả tiền thuê chuyên gia kỹ thuật, thuê lao động hợp đồng và bồi dưỡng làm việc ngoài giờ hành chính Nhà nước quy định;

- Chi phí cho tổ chức khảo nghiệm, ứng dụng kỹ thuật công nghệ và phương pháp kiểm nghiệm mới;

- Chi phí khác có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản;

- Thưởng cho cán bộ, công nhân viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc có thành tích trong công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản theo chế độ hiện hành của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng mức thưởng bình quân một năm mỗi người tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản theo chế độ tiền lượng của Nhà nước quy định;

Các khoản chi nêu trên phải thực hiện đúng chế độ tài chính hiện hành và phải được cân đối trong hoạch toán tài chính được duyệt hàng năm của đơn vị. Cuối năm quyết toán, nếu chưa sử dụng hết thì phải nộp hết số còn lại vào Ngân sách Nhà nước.

b) Số tiền còn lại sau khi trích cho cơ quan thu phí, lệ phí theo tỷ lệ quy định tại tiết a, điểm này phải nộp vào ngân sách Nhà nước ghi vào chương, loại, khoản, hạng tương ứng, mục 35 mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Thời hạn nộp theo quy định của Cục Thuế địa phương, nhưng chậm nhất vào ngày 10 tháng sau phải nộp hết số phải nộp của tháng trước vào ngân sách Nhà nước.

4) Các cơ quan thu phí và lệ phí về quản lý chất lượng và vệ sinh thuỷ sản theo quy định tại Thông tư này, có trách nhiệm:

- Đăng ký với cơ quan thuế địa phương và mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình thu, nộp, sử dụng tiền phí, lệ phí và sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí theo đúng pháp lệnh kế toán thông kê hiện hành của nhà nước.

[...]