Công văn hướng dẫn thực hiện Quy chế kiểm tra và chứng nhận Nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản

Số hiệu 2919-CV/KHCN
Ngày ban hành 28/12/1996
Ngày có hiệu lực 28/12/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ sản
Người ký Nguyễn Hữu Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2919-CV/KHCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THỦY SẢN SỐ 2919 CV/KHCN NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ KIỂM TRA VÀ CHỨNG NHẬN NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ THUỶ SẢN

Kính gửi: Các cơ quan Kiểm tra Nhà nước về chất lượng thuỷ sản,

 

Thực hiện Nghị định 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá, ngày 21/12/1996, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản đã có Quyết định số 1184 QĐ/KHCN ban hành Quy chế Kiểm tra và Chứng nhận Nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản (sau đây gọi tắt là Quy chế).

Các điều khoản của Quy chế này phù hợp với các nội dung của Quy định về việc kiểm tra nhà nước đôí với chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ban hành theo Quyết định số 2578 QĐ/TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ trưởng Bộ KHCNMT, một số chỉ tiêu và nội dung cụ thể được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện và tính chất đặc thù của hàng hoá thuỷ sản. Những nội dung không nêu trong Quy chế này áp dụng theo văn bản Quy định nêu trên.

Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thống nhất một số nội dung cụ thể trong việc thực hiện Quy chế như sau:

1- Về Điều 2:

a) Đối tượng kiểm tra:Tất cả các loại hàng hoá thuỷ sản thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm tra nhà nước về chất lượng do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trờng công bố hoặc uỷ quyền cho Bộ Thuỷ sản công bố hàng năm.

Trong năm 1997, đối tượng kiểm tra nhà nước về chất lượng là các hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu và nhập khẩu trong danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 2579 QĐ/TĐC ngày 28/10/1996 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Mục 1.4 đối với hàng nhập khẩu; mục 2.1 đối với hàng xuất khẩu).

Riêng hàng hoá thuộc nhóm 03.06.00 (tôm he, tôm sú giống) sản xuất trong nước, tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng thuộc đối tượng bắt buộc kiểm tra chất lượng nhà nước theo tinh thần Công văn số 1702 CV/KHCN ngày 20/8/1996 của Bộ Thuỷ sản. Bộ Thuỷ sản sẽ đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố trong ngày gần nhất để có cơ sở pháp lý thực hiện trong năm 1997.

b) Hàng thuỷ sản thuộc diện ngoại giao không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

c) Mẫu chào hàng được hiểu là hàng của các tổ chức sản xuất - kinh doanh gửi chào hàng dạng mẫu nhằm mục đích thương mại.

2- Về Điều 3:

Tại khoản 5.2 Thông tư liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Thuỷ sản số 02 TT/LB ngày 24/5/1996, và tại các điểm 2, 3 phần IV của Thông tư số 03 TT/TCCB-LĐ ngày 19/8/1996 của Bộ Thuỷ sản, đã chỉ định và phân công phạm vi trách nhiệm cụ thể của các cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc Danh mục hàng hoá thuỷ sản phải kiểm tra nhà nước về chất lượng như sau:

a) Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các cơ quan trực thuộc Cục BVNLTS thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng nhà nước cho các loại hàng hoá là giống thuỷ sản, động vật thuỷ sản sống, thực vật thuỷ sản, thức ăn cho nuôi thuỷ sản, thuốc dùng cho động thực vật thuỷ sản, lưới, dụng cụ đánhcá. Cục là cơ quan duy nhất trực tiếp kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng nhà nước cho các hàng hoá nói trên xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan hiện nay).

b) Trung tâm Kiểm tra Chất lượng và Vệ sinh thuỷ sản và các Chi nhánh của Trung tâm (gọi tắt theo tên tiếng Anh là NAFIQACEN) thực hiện việc kiểm tra chất lượng các hàng hoá thuỷ sản khác ngoài các hàng hoá nói ở Mục a). Là cơ quan duy nhất trực tiếp kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng nhà nước cho các hàng hoá là sản phẩm động vật, sản phẩm thực vật thuỷ sản xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan hiện nay).

c) Các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng I, II, III thực hiện việc kiểm tra chất lượng các hàng hoá thuỷ sản khác ngoài các hàng hoá nói ở mục a, ngoại trừ các hàng hoá được xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền duy nhất (như EU và Đài Loan hiện nay).

3- Về Điều 4:

a) Đối với các hàng hoá chưa có tiêu chuẩn do Việt Nam ban hành, cho phép áp dụng các tiêu chuẩn hiện hành của Uỷ ban Codex quốc tế (các Codex Standards) như đã nêu trong phần Căn cứ kiểm tra tại Quyết định 2579 QĐ/TĐC của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

b) Cho phép các cơ quan kiểm tra được áp dụng các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu của chủ hàng, nếu yêu cầu chất lượng của các tiêu chuẩn đó chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn hoặc quy định của Nhà nước Việt Nam.

4- Về Điều 6:

a) Kiểm tra thông thường: Lấy mẫu theo phương pháp và số lượng quy định tại các TCVN hoặc quy trình kiểm tra do Bộ Thuỷ sản quy định, theo tinh thần Mục 3.4 của Quy định ban hành theo Quyết định 2578 QĐ/TĐC của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường: "Việc lấy mẫu phải do các nhân viên của cơ quan KTNN tiến hành có sự chứng kiến và xác nhận của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức cá nhân xuất nhập khẩu".

b) Kiểm tra giảm: Cho phép áp dụng các biện pháp giảm chỉ tiêu kiểm tra, giảm số lượng mẫu cần lấy để kiểm tra và giảm số lượng lô liên tục cần kiểm tra như quy định tại Mục 3.1 của Quy định về việc kiểm tra nhà nước đối với chất lượng hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu, ban hành theo Quyết định số 2578 QĐ/TĐC của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Danh mục các cơ sở sản xuất được áp dụng phương thức kiểm tra giảm do Bộ Thuỷ sản thông báo cho các cơ quan kiểm tra nhà nước. Mức độ giảm do cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng quyết định trên cơ sở xem xét các điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất và của lộ hàng, song không được dưới mức cần thiết bảo đảm cho độ chính xác của kết quả kiểm tra chất lượng của lô hàng.

c) Do tính chất đặc thù của thuỷ sản, không áp dụng hình thức miến kiểm tra đối với hàng hoá thực phẩm thuỷ sản.

5- Về Điều 9:

Với mục c: Trong trường hợp kết quả kiểm tra ở mục a hoặc b có sai lỗi nhỏ mà chủ hàng có khả năng khắc phục được ngay, hoặc quá trình khắc phục không làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá, thì sau khi thông báo cho chủ hàng và được chủ hàng cam kết khắc phục hoàn toàn các sai lỗi đó, nhân viên có trách nhiệm của cơ quan kiểm tra được phép tiến hành lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu tiếp theo.

Việc kiểm tra tất cả các chỉ tiêu được tiến hành theo quy định tại Mục 4.3.2 của Quy định kèm theo Quyết định số 2578 QĐ/TĐC của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, phù hợp với các TCVN, TCN hoặc theo Quy trình kiểm tra đối với từng chỉ tiêu cụ thể do Bộ Thuỷ sản quy định.

[...]