NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 86-CP NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 1995 QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ngày 27 tháng 12 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.-
Quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá là bảo đảm sự kiểm soát cần thiết
của Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,
xuất nhập khẩu; kịp thời uốn nắn các sai sót và ngăn chặn hậu quả gây thiệt hại
tài sản Nhà nước, quyền lợi và uy tín quốc gia, quyền lợi và sức khoẻ của nhân
dân do hàng hoá không bảo đảm chất lượng gây ra.
Điều 2.-
Việc phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về chất lượng
hàng hoá cho các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương nhằm mục
đích sau:
1. Nâng cao vai trò trách nhiệm
quản lý chất lượng hàng hoá của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và địa
phương trong các hoạt động kiểm soát chất lượng của toàn bộ quá trình sản xuất
(từ định hướng sản xuất đến sản xuất ra sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường).
2. Đề xuất với Chính phủ ban
hành các chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá
thích hợp với nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân áp
dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ để sản xuất ra sản phẩm có chất
lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Điều 3.-
Việc phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về chất lượng
hàng hoá theo các nguyên tắc sau:
1. Bảo đảm việc quản lý tập
trung, thống nhất trong cả nước, đồng thời phân công trách nhiệm hợp lý đối với
các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương nhằm tránh chồng chéo hoặc
bỏ sót đối tượng quản lý. Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương
chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ trong phạm vi được phân công quản
lý.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ,
đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp với khả năng, nghiệp vụ kỹ thuật chuyên sâu
của từng Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ để khắc phục những tồn tại trong
các quy định đã ban hành.
3. Đối với một số loại hàng hoá
đặc thù có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, đến an toàn về môi
trường và sản xuất (nói ở Điều 4 chương II), việc quản lý về chất lượng (bao gồm
các khâu từ chuẩn bị sản xuất đến sản xuất ra sản phẩm lưu thông phân phối sử dụng,
xuất khẩu, nhập khẩu) được giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành.
4. Các Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ và địa phương trong phạm vi phụ trách của mình, có trách nhiệm cụ thể trong
từng lĩnh vực hoạt động tiêu chuẩn hoá và quản lý chất lượng nêu trong các điều
5, 6, 7, 8 và 9 chương II của Nghị định này.
Chương 2:
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
Điều 4.-
Việc phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá giữa các bộ, các ngành
được thực hiện như sau:
Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường là cơ quan chức năng giúp Chính phủ chỉ đạo và thống nhất
quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá, đề ra các chủ trương chính sách chung,
quản lý thống nhất về nghiệp vụ và kiểm tra các bộ quản lý chuyên ngành, các cơ
quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc chấp hành các quy định đó.
Bộ quản lý chuyên ngành, các cơ
quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn, các
quy định về bảo đảm và kiểm soát chất lượng hàng hoá thuộc phạm vi quản lý của
mình, từ khâu định hướng sản xuất đến sản xuất ra sản phẩm và tiêu thụ trên thị
trường.
Các bộ, ngành, cơ quan thuộc
Chính phủ và địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường trong việc tổ chức thực hiện các chức năng nhiệm vụ quản lý
Nhà nước về chất lượng hàng hoá được phân công.
Đối với một số loại hàng hoá đặc
thù, việc quản lý Nhà nước về chất lượng được giao cho một số bộ chuyên ngành
như sau:
1. Bộ Y tế:
Dược phẩm, dược liệu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng
trực tiếp đến sức khoẻ của con người; vệ sinh an toàn đối với thực phẩm (tươi sống,
đã qua chế biến công nghiệp), các loại nước uống, rượu và thuốc lá.
2. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn: Phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật,
giống cây, giống con, các sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, thức
ăn gia súc (trừ phần trách nhiệm thuộc Bộ Thuỷ sản).
3. Bộ Thuỷ sản:
Các động vật thuỷ sản, các thực vật thuỷ sản, sản phẩm động vật và thực vật thuỷ
sản, thức ăn cho thuỷ sản, hải sản, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y thuỷ sản,
ngư lưới, dụng cụ đánh cá.
4. Bộ Giao
thông Vận tải: Các phương tiện vận tải, các công trình hạ tầng giao thông, các
thiết bị nâng hàng từ một tấn trở lên, nồi hơi, bình chịu áp lực sử dụng trong
giao thông vận tải.
5. Bộ Xây dựng:
Các công trình xây dựng.
6. Bộ Văn
hoá - Thông tin: Các loại ấn phẩm, các nhạc cụ và sản phẩm văn hoá khác.
7. Bộ Công
nghiệp: Các vật liệu nổ công nghiệp.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường cùng với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan ban hành các Thông tư
liên bộ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ được phân công tại các điểm 1,
2, 3, 4, 5, 6, 7 nói trên chậm nhất là sau hai tháng kể từ ngày ban hành Nghị định
này.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng đối với các loại hàng
hoá khác (trừ các đối tượng đã nêu tại các điểm1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 nói trên và
đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
Tuỳ theo yêu cầu phát triển kinh
tế, thương mại, đối với những loại hàng hoá cần có sự phối hợp quản lý chất lượng,
Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm quản lý cho các Bộ liên quan trong từng
trường hợp cụ thể. Các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương cần gấp
rút kiện toàn các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng chuyên ngành hiện có
theo sự hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của
các cơ quan này.
Điều 5.-
Việc ban hành và chỉ đạo áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được phân công như
sau:
1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường có trách nhiệm ban hành các Tiêu chuẩn Việt Nam và đăng trong công báo
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Đối với một số trường hợp cụ thể, Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thể uỷ quyền cho các Bộ quản lý chuyên
ngành ban hành TCVN sau khi được Chính phủ cho phép.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường phối hợp với các Bộ chuyên ngành lập các Ban kỹ thuật cho từng lĩnh vực
tương ứng với các Ban kỹ thuật của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế. Các ban kỹ
thuật này bao gồm các chuyên gia, không phân biệt thành phần kinh tế, của các bộ,
ngành, địa phương, cơ sở nghiên cứu và đào tạo, cơ sở kinh doanh sản xuất... để
biên soạn các TCVN.
2. Bộ quản lý chuyên ngành, cơ
quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm xây dựng mục tiêu về chất lượng hàng hoá và
các chính sách cụ thể phù hợp đối với các loại hàng hoá ngành mình phụ trách để
thực hiện các mục tiêu chung; lập kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng hàng
hoá và chương trình cải tiến nâng cao chất lượng hàng hoá của Bộ, ngành và cơ
quan mình.
Các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam cho các đối tượng cần quản lý, thoả
thuận với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kế hoạch và các biện pháp cần
thiết trong việc biên soan tiêu chuẩn Việt Nam.
Bộ quản lý chuyên ngành có trách
nhiệm quy định việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam cho các đối tượng thuộc
phạm vi quản lý bằng các quyết định áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam; tổ chức
đôn đốc và kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam; tổ chức đôn đốc và kiểm
tra việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và xử lý các trường hợp vi phạm.
Điều 6.-
Việc đăng ký chất lượng hàng hoá được thực hiện như sau:
1. Các bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ và địa phương theo đối tượng được phân công, đề xuất danh mục hàng hoá bắt
buộc phải đăng ký chất lượng với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố chung. (Trừ dược phẩm, mỹ phẩm do Bộ
Y tế công bố; thuốc thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố;
thuốc thú y thuỷ sản, các sản phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thuỷ sản do Bộ
Thuỷ sản công bố).
Trong trường hợp cụ thể, Bộ Khoa
học, Công nghệ và Môi trường có thể uỷ quyền cho các Bộ quản lý chuyên ngành
công bố danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng sau khi được Chính
phủ cho phép.
2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường tổ chức việc đăng ký chất lượng cho các loại hàng hoá thuộc danh mục do
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản tổ chức việc đăng ký chất lượng cho các loại hàng
hoá được nếu trong khoản 1 của điều này và có trách nhiệm thông báo cho Bộ Khoa
học, Công nghệ và Môi trường danh sách các loại hàng hoá đã đăng ký.
3. Đối với hàng hoá có yêu cầu
nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất và sử dụng hoặc
cho phép nhập khẩu (dược phẩm, thuốc thú y, thuốc trừ dịch hại, các chế phẩm
sinh học phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, các loại giống cây trồng và vật nuôi,
các thiết bị, vật tư kỹ thuật mới...) Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp
với các cơ quan hữu quan tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm lâm sàng để kết luận
và quyết định việc đưa vào sản xuất, sử dụng, nhập khẩu. Bộ Khoa học, Công nghệ
và Môi trường, các Bộ quản lý chuyên ngành (nói ở Điều 6 mục 2) chỉ cấp đăng ký
chất lượng sau khi có giấy xác nhận kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm lâm sàng,
đánh giá chất lượng... của tổ chức được Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định.
Điều 7.-
Việc tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hoá được phân công như sau:
1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường chủ trì phối hợp với các bộ liên quan quy định danh mục hàng hoá sản xuất
trong nước, hàng hoá xuất nhập khẩu phải qua kiển tra chất lượng Nhà nước.
Hàng năm, vào tháng 9, Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường công bố chung danh mục này và đăng trong Công báo của
nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm sau.
2. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành quy định các chỉ tiêu cần kiểm
tra và chỉ định các cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hoá đối với các hàng hoá bắt
buộc phải qua kiểm tra chất lượng Nhà nước.
Đối với hàng hoá thuộc trách nhiệm
quản lý của các bộ theo sự phân công ở điều 4, cơ quan kiểm tra chất lượng hàng
hoá được chỉ định bởi quyết định liên bộ của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
với Bộ có liên quan.
Các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật
thuộc cơ quan quản lý Nhà nước được chỉ định kiểm tra chất lượng không thực hiện
các dịch vụ giám định chất lượng hàng hoá của các hợp đồng thương mại.
3. Để bảo đảm chất lượng hoạt động
giám định chất lượng hàng hoá trong các hợp đồng thương mại tạo điều kiện thuận
lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và hoà nhập với khu vực và quốc tế về hoạt động
giám định chất lượng hàng hoá, các tổ chức thực hiện giám định chất lượng hàng
hoá phải được xét duyệt công nhận và cấp giấy phép hoạt động.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường, Bộ thương mại quy định về thủ tục xét duyệt công nhận các tổ chức giám
định chất lượng hàng hoá, tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận nghiệp vụ
kỹ thuật - thương mại cho các tổ chức thực hiện giám định chất lượng hàng hoá.
Các tổ chức giám định chất lượng hàng hoá phải đăng ký hoạt động theo các Luật
doanh nghiệp, Luật đầu tư nước ngoài, sau khi có chứng chỉ chứng nhận về nghiệp
vụ kỹ thuật chuyên ngành và nghiệp vụ thương mại.
Trong một số trường hợp cụ thể,
các tổ chức giám định chất lượng hợp pháp có thể được Bộ Khoa học, Công nghệ và
Môi trường chỉ định thực hiện lâm thời nhiệm vụ kiểm tra chất lượng hàng hoá.
4. Tổng cục Hải quan (Hải quan tại
các cửa khẩu) chỉ làm thủ tục thông quan cho hàng hoá xuất - nhập khẩu thuộc
danh mục bắt buộc phải kiểm tra chất lượng khi hàng hoá đã được cơ quan kiểm
tra chất lượng cấp giấy xác nhận chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định.
Trường hợp chất lượng hàng hoá
không phù hợp với tiêu chuẩn quy định, cơ quan kiểm tra phải thông báo cho cơ
quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
và Bộ quản lý chuyên ngành để xử lý.
Điều 8.-
Việc Thanh tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá được thực hiện như sau:
Bộ Thương mại phối hợp với Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan hữu
quan trong việc tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá
lưu thông trên thị trường theo Quyết định 96/TTg ngày 18 tháng 2 năm 1995 của
Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ quan thanh tra chuyên
ngành của các Bộ phối hợp theo chức năng được phân công, tổ chức thanh tra việc
chấp hành Pháp lệnh và các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hoá, xử lý
hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng
hàng hoá, giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại,
tố cáo của công dân, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9.-
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 10.-
Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn chi
tiết, tổ chức thực hiện và định kỳ báo cáo Chính phủ về việc thực hiện Nghị định.
Điều 11.-
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Những quy định trước đây trái với
Nghị định này đều bãi bỏ.