Công văn 2389/UBND-NC năm 2022 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 2389/UBND-NC
Ngày ban hành 26/07/2022
Ngày có hiệu lực 26/07/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2389/UBND-NC
V/v tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi:

- Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

Qua tổng kết 01 năm thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27/5/2021 của UBND Thành phố, đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế(1), vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Ngày 01/6/2022, Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 273/KH-BCA về tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, với phương châm: (1) “Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”; chữa là “chống”; lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - dài lâu”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; phương châm là: Từng nhà dân an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn”; (2) “Đối với công tác chữa cháy, phải xác định “thời điểm vàng” để thực hiện công tác chữa cháy không quá từ 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, cần phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân”.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác PCCC&CNCH tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; quyết tâm kiềm chế, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra đối với loại hình này, UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện tốt một số nội dung như sau:

1. Giám đốc Công an Thành phố

- Tiếp tục tham mưu UBND Thành phố hoàn thiện thể chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn, trọng tâm là: (1) Công tác triển khai thực hiện quy định mức hỗ trợ thường xuyên đối với các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố; (2) Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND Thành phố ban hành Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; (3) Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23/4/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về thực hiện công tác QLNN về PCCC&CNCH đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố; (4) Báo cáo UBND Thành phố ban hành Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC, CNCH trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân về PCCC&CNCH; xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an đối với khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, Cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trong khu dân cư có huy động lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở tham gia; kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp quản lý; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm về PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện đối với các vụ cháy; chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục. Đối với các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an Thành phố phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra Thành phố và Văn phòng UBND Thành phố xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp mà UBND Thành phố đã chỉ đạo. Điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định; trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo trên cơ sở bám sát theo nội dung, phương pháp, hình thức triển khai tại Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2022.

3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chủ động trong các công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH, đặc biệt liên quan lĩnh vực thông tin và truyền thông của Thành phố. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo đài, truyền thông của Thành phố và phối hợp các cơ quan báo đài, truyền thông khác thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC&CNCH theo quy định, trong đó chú trọng những văn bản quy phạm pháp luật và những chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố ban hành, những bài viết tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC, nâng cao ý thức, nhận thức về PCCC và vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động PCCC.

4. Giám đốc Sở Công Thương, Tổng Công ty Điện lực Thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sử dụng điện (sau công tơ) tại các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

5. Giám đốc Sở Xây dựng: Tiếp tục rà soát, báo cáo UBND Thành phố đầu tư xây dựng, lắp đặt các trụ nước chữa cháy gắn với hệ thống cấp nước của Thành phố; ưu tiên lắp đặt ngay cho các khu vực đông dân cư, nhiều cơ sở hoặc nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mà lối vào, ngõ vào nhỏ, chật hẹp, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 9/2022; phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý về trật tự đầu tư xây dựng; có biện pháp xử lý cương quyết, triệt để đối với các công trình vi phạm về trật tự đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

6. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành khác: Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác QLNN về PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

7. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn

- Tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 27/5/2021 của UBND Thành phố. Khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC theo yêu cầu tại Kế hoạch số 131/KH-UBND, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có “lối thoát nạn thứ 2” phải mở “lối thoát nạn thứ 2” theo yêu cầu tại Công văn số 4435/UBND-NC ngày 09/12/2021 của UBND Thành phố (các đơn vị thực hiện xong trong năm 2022, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về kết quả báo cáo; đến thời hạn, đơn vị nào thực hiện chưa xong, giao Công an Thành phố tổng hợp, báo cáo theo quy định).

- Thường xuyên rà soát, nắm tình hình, cập nhật đầy đủ, chính xác danh sách, tình trạng hoạt động, việc chấp hành quy định về PCCC của các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý trên địa bàn.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH: 100% các đơn vị phải đăng tải, trích dẫn các quy định về an toàn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật và theo Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 UBND Thành phố đã ban hành trên Cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã (xong trước ngày 15/8/2022); phối hợp chặt chẽ với các đơn vị báo, đài làm tốt công tác truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật và quy định của UBND Thành phố về an toàn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động PCCC “tại chỗ” trên địa bàn, tại khu dân cư.

- Định kỳ kiểm tra an toàn PCCC đảm bảo số lần, số lượt; kiểm tra đột xuất khi phát hiện trường hợp vi phạm, có nguy cơ mất an toàn PCCC hoặc theo yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ, các thành viên sinh sống, làm việc trong hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả việc tự phòng ngừa, tự quản, kịp thời phát hiện và chữa cháy có hiệu quả, đồng thời thực hiện đầy đủ quy định theo Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND của UBND Thành phố; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm về PCCC&CNCH theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả, chất lượng công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” trên địa bàn; duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư; kiện toàn, trang bị phương tiện PCCC&CNCH và tổ chức hoạt động của lực lượng dân phòng; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy của khu dân cư, đảm bảo tính chủ động, đáp ứng yêu cầu kịp thời để xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

- Tổ chức, xây dựng và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC: Mỗi đơn vị cấp huyện lựa chọn 01 đơn vị cấp xã, mỗi đơn vị cấp xã lựa chọn 01 khu dân cư để thực hiện thí điểm. Việc lựa chọn và xây dựng mô hình xong trước ngày 15/8/2022 (có Phụ lục tiêu chí hướng dẫn thí điểm cụ thể kèm theo để UBND các quận, huyện, thị xã thống nhất thực hiện). Sau 06 tháng triển khai, Thành phố sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí và xem xét nhân rộng.

Yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc; giao Công an Thành phố là cơ quan thường trực, giúp việc cho UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thực hiện nhiệm vụ về PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của UBND Thành phố tại văn bản này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Công an
;
- TTTU, TTHĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- VPUB: CVP, PCVP C.N.Trang, NC
;
- Các cơ quan Báo, đài TW và Thành phố;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn

 



(1) 1. Tình hình cháy, nổ xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn còn diễn biến phức tạp. 2. Chỉ tiêu về mở "lối thoát nạn thứ 2" đối với các hộ chưa có "lối thoát nạn thứ 2" chưa đảm bảo theo yêu cầu. 3. Việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC&CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở một số địa bàn cấp xã còn chậm...

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ