Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 23/04/2021
Ngày có hiệu lực 23/04/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PCCC VÀ CNCH ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH CƠ SỞ NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 4.170 vụ cháy, nổ, làm 93 người chết, 149 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 1.025 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy, nổ xảy ra tại loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ cao (923 vụ, chiếm 22,13%; làm 48 người chết, chiếm 51,61%). Đặc biệt, từ tháng 12/2020 đến nay, xảy ra 114 vụ cháy, nổ làm 13 người chết, 14 người bị thương; trong đó có 06 vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng (đáng chú ý 06 vụ trên đều xảy ra tại loại hình nhà đở kết hợp sản xuất, kinh doanh làm 13 người chết, 14 người bị thương) (1).

Ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021, trong đó quy định rõ loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH (UBND cấp xã quản lý đối với nhà có tng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2; Cơ quan Công an quản lý đối với nhà có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh từ 300m2 trở lên). Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các quận, huyện, thị xã đã bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP để UBND cấp xã tổ chức thực hiện.

Để thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ thị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Công an Thành phố

- Chủ động tham mưu UBND Thành phố các giải pháp, biện pháp nâng cao năng lực công tác PCCC và CNCH của Thành phố theo quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH của UBND cấp huyện, UBND cấp xã đối với các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình nói chung, đối với loại hình cơ sở nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nói riêng.

- Tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH của đơn vị đối với các cơ sở, đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền theo quy định.

- Đối với các tổ chức, cá nhân, chủ hộ gia đình không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH phải kiên quyết xử lý; trong đó, trường hợp để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC trên địa bàn Thành phố. Việc tuyên truyền cần đổi mới, đa dạng về hình thức, đồng thời thiết thực, phong phú về nội dung nhằm đẩy mạnh hiệu ứng, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của các tng lớp nhân dân.

3. Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực Thành phố

Sở Công thương chủ trì, phối hợp Tổng Công ty Điện lực Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân để đảm bảo an toàn điện; đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền để có biện pháp quản lý, kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ đến từ nguyên nhân sự cố điện gây ra.

4. Các sở, ban, ngành Thành phố

Tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng được phân công, đồng thời phối hợp Công an Thành phố, UBND các cấp và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và các quy định pháp luật có liên quan đến đối tượng nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình.

5. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã

a) Chủ động thực hiện có chất lượng, hiệu quả trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC của đơn vị theo quy định tại Khoản 1, Điều 52, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

b) Tăng cường công tác hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý.

c) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với các cơ sở, hộ gia đình, trong đó có loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo phân cấp quản lý, cụ thể như sau:

- Lập hồ sơ quản lý, theo dõi về PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, mỗi cơ sở lập 01 hồ sơ; đối với đối tượng nhà để ở không thuộc diện quản lý về PCCC thì lập danh sách và quản lý theo địa bàn khu dân cư, mỗi khu dân cư lập 01 hồ sơ.

- Định kỳ tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC của cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với hành vi vi phạm về PCCC và CNCH.

- Hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, biên chế, bố trí kinh phí, chủ động đề xuất trang cấp thiết bị, phương tiện PCCC, CNCH; duy trì và đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng đáp ứng yêu cầu “4 tại chỗ”.

- Thực hiện trách nhiệm trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả vụ cháy theo quy định của pháp luật.

- Tích cực tổ chức các hoạt động để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, chủ hộ gia đình, người dân, người lao động tại địa phương về các quy định pháp luật về PCCC theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để xây dựng, phát động phong trào toàn dân PCCC; biểu dương gương điển hình tiên tiến, gương “khu phố đảm bảo an toàn” trong công tác PCCC trên địa bàn; trong đó, lấy vai trò tiên phong, nòng cốt là Tổ trưởng các Tổ dân phố, Trưởng các thôn, Đội trưởng các Đội dân phòng.

d) Giao 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác PCCC và CNCH, đột xuất kiểm tra công tác PCCC và CNCH theo thẩm quyền; chỉ đạo UBND cấp xã phân công 01 đồng chí Lãnh đạo Ủy ban trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý; định kỳ kiểm tra, báo cáo theo quy định.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH theo phân công, phân cấp, địa bàn, lĩnh vực quản lý, phụ trách; báo cáo kết quả thực hiện định kỳ theo Quý về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố tập hợp) theo quy định. Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả/triển khai thực hiện Chỉ thị này; báo cáo UBND Thành phố theo quy định./.

 

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ