Kế hoạch 131/KH-UBND năm 2021 thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Số hiệu 131/KH-UBND
Ngày ban hành 27/05/2021
Ngày có hiệu lực 27/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỢT CAO ĐIỂM VỀ TUYÊN TRUYỀN, KIỂM TRA AN TOÀN PCCC ĐỐI VỚI KHU DÂN CƯ, HỘ GIA ĐÌNH, NHÀ ĐỂ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Thực hiện Kế hoạch số 151/KH-BCA-C07, ngày 12/4/2021 của Bộ Công an về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC sâu rộng và trực tiếp đến chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy đkịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh.

b) Kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định.

c) Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

2. Yêu cầu

a) Công tác tuyên truyền phải đa dạng về hình thức, nội dung cần rõ ràng, dễ hiểu và truyền đạt thông tin trực tiếp đến người dân.

b) Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC phải bảo đảm khách quan, toàn diện, tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC.

c) Nội dung hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC phải cụ thể, phù hợp, sát với thực tế trên cơ sở các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, CHỈ TIÊU THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Chủ hộ gia đình và những người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư; hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

2. Thời gian tổ chức thực hiện: Từ ngày 01/6/2021 đến hết ngày 15/10/2021, chia làm 02 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Từ ngày 01/6/2021 đến hết ngày 15/7/2021.

- Giai đoạn 2: Từ ngày 15/7/2021 đến hết ngày 15/10/2021.

3. Chỉ tiêu đợt cao điểm

a) Kết thúc giai đoạn 1: 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố được rà soát, lập danh sách thống kê số liệu, tình hình chấp hành quy định về PCCC

b) Kết thúc đợt cao điểm:

- 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải được hướng dẫn và ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC.

-100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh qua công tác kiểm tra phát hiện tồn tại, vi phạm về PCCC&CNCH, ký cam kết khắc phục.

III. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Công tác tuyên truyền

a) Hình thức: Tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân trong khu dân cư; lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tại khu dân cư; in, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu; thông qua loa phát thanh của phường, xã, thị trấn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Nội dung: Phổ biến quy định của pháp luật về PCCC (trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người dân; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vi phạm phải bị xử lý theo quy định); các nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến cháy, nổ; các vụ cháy, nổ điển hình xảy ra tại loại hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; kiến thức cơ bản về PCCC&CNCH; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; biện pháp xử khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình; kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn; khuyến khích, vận động người dân tự giác tháo dỡ chuồng cọp” tại các ban công, lô gia, đảm bảo an toàn thoát nạn hoặc có những hình thức sáng tạo để vừa đảm bảo đảm bảo an ninh vừa đảm bảo thoát nạn trong tình huống khẩn cấp; kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng; hướng dẫn ký cam kết cam kết bảo đảm an toàn về PCCC; xây dựng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu về PCCC tại địa phương, tiến tới xây dựng các cụm dân cư an toàn PCCC.

2. Công tác kiểm tra an toàn PCCC

a) Hình thức: Thành lập các Đoàn liên ngành (thành phần gồm: Cảnh sát PCCC&CNCH Cảnh sát khu vực, đại diện UBND cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị, điện lực) tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC&CNCH tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

[...]