Chương trình hành động 237/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 18/2019/NQ-HĐND về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 237/CTr-UBND
Ngày ban hành 17/01/2020
Ngày có hiệu lực 17/01/2020
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Phan Trọng Tấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 237/CTr-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 01 năm 2020

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2020 CỦA CHÍNH PHỦ, NGHỊ QUYẾT SỐ 18/2019/NQ-HĐND NGÀY 14/12/2019 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

Năm 2020 là năm cuối triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn của quốc gia, của tỉnh và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.

Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 là rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 20251.- Trước tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, thương mại quốc tế diễn biến phức tạp; thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng; cách mạng công nghiệp lân thứ tư mang đến nhiều cơ hội và thách thức, tác động manh mẽ trên nhiều phương diện; tình hình trong nước và trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 14/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, các Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 14/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2020 tới các cấp, các ngành, các đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

2. Cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh thành các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Thọ,... Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

3. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành từng nội dung cụ thể. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh.

B. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

I. Phát triển các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương:

- Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Thực hiện chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng trên đất lúa, mở rộng diện tích sản xuất tập trung. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trồng lại 50ha chè, trồng mới 640ha bưởi (trong đó, bưởi Đoan Hùng 80ha, bưởi Diễn 530ha). Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 - 2025.

- Phát triển đa dạng các loại vật nuôi, từng bước phục hồi chăn nuôi lợn gắn với ưu tiên phát triển trang trại, gia trại, chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, phát triển các chuỗi liên kết. Không khuyến khích chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong các khu dân cư tập trung. Tham mưu xây dựng quy định khu vực không được phép chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi. Khuyến khích, hỗ trợ trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn đạt 600 ha, áp dụng và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đối với 15 nghìn ha rừng. Mở rộng diện tích nuôi các loại thủy sản giống mới, đặc sản. Phát huy diện tích mặt nước của công trình thủy lợi để hình thành và phát triển một số vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa,...

- Tham mưu triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình an toàn.

Hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ (trong năm 2020 mỗi huyện ít nhất phải có một cơ sở giết mổ tập trung). Theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh và giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Quản lý tốt chất lượng nông sản. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích đầu tư ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất.

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã, khu dân cư nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, khu nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu có 01 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, mỗi huyện thành thị có từ 2 đến 3 sản phẩm làng nghề đạt từ 3 sao trở lên.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan: Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp cho thu ngân sách. Khuyến khích thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông..., phát triển các sản phẩm chất lượng và có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, cơ quan liên quan: Triển khai các giải pháp phát triển các thành phần kinh tế. Kịp thời đôn đốc, tham mưu các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, chất lượng hoạt động. Khẩn trương tham mưu triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; triển khai kế hoạch, giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu có 8.700 doanh nghiệp vào cuối năm 2020.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành thị và các đơn vị liên quan:

- Tổ chức triển khai thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020, đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn của các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; có giải pháp sớm hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ. Từng bước xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung thu hồi vốn ứng. Triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quá trình theo dõi, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu về đầu tư, giải ngân.

- Rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình đấu thầu qua mạng theo lộ trình áp dụng; tăng cường theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; đẩy mạnh công tác triển khai, đảm bảo tỷ lệ đấu thầu qua mạng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2020 quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chú trọng huy động nguồn lực từ quỹ đất, đẩy mạnh thu hút các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.

5. Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành, địa phương:

- Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, tổng hợp, báo cáo kết quả và dự báo khả năng thu ngân sách. Xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực còn thất thu, kịp thời đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ngân sách nhà nước.

- Tập trung đánh giá tình hình, kết quả triển khai phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2021 - 2023, 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

- Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức Đại hội đảng các cấp; nâng cao tỷ lệ chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; đảm bảo các nguồn lực cho đầu tư phát triển; cân đối nguồn kinh phí thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá các dịch vụ công thiết yếu.

6. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là hàng nông sản; phòng ngừa rủi ro do mất cân đối xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Thực hiện nghiêm Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, tích cực phối hợp với Mặt trận tổ quốc các cấp triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

7. Sở Công Thương:

- Thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công. Chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề phát triển sản xuất; thực hiện các chương trình chuyển giao công nghệ, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ